EU nhất trí về những hạn chế cứng rắn hơn đối với một số hàng nông sản Ukraine

Chủ tịch luân phiên của EU cho biết các quốc gia Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về những hạn chế cứng rắn hơn đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.

Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp ngày 13/3 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bỉ - hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), cho biết ngày 8/4 các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về những hạn chế cứng rắn hơn đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.

Thỏa thuận đặt mức trần đối với lượng nhập khẩu gia cầm, trứng, đường, ngô, ngũ cốc và mật ong từ Ukraine, dựa trên mức trung bình từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2023.

Pháp và Ba Lan ban đầu tranh luận về hạn chế đối với lúa mỳ. Song thỏa thuận trên không đặt ra giới hạn nào cho mặt hàng này.

Một ủy ban của EP sẽ họp thảo luận về vấn đề này trong ngày 9/4 trước khi đưa ra quyết định phê duyệt chính thức. Quyết định trên được các nhà lập pháp EU đưa ra sau nhiều tuần tranh luận về các giới hạn đối với nông sản miễn thuế từ Ukraine.

Nông dân tại nhiều nước thành viên đã biểu tình để yêu cầu tái áp đặt thuế hải quan đối với việc nhập khẩu nông sản từ Ukraine, vốn được miễn trừ vào năm 2022 sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine. Những người biểu tình cho rằng nông sản Ukraine đang tràn ngập châu Âu nhờ giá nhập khẩu rẻ khiến các nhà sản xuất EU không thể cạnh tranh.

Các nhà ngoại giao trước đó cho biết việc áp trần sẽ làm giảm kim ngạch nhập khẩu nông sản Ukraine của EU khoảng 240 triệu euro (khoảng 260 triệu USD) so với năm 2023.

Việc gia hạn nhập khẩu miễn thuế các sản phẩm nông nghiệp Ukraine sẽ có hiệu lực trước khi thời gian miễn thuế hiện tại kết thúc vào ngày 5/6.

Nghị viện châu Âu đã ban hành một văn bản cho biết nếu có sự gián đoạn đáng kể đối với thị trường EU hoặc thị trường của một hoặc nhiều quốc gia EU do hàng nhập khẩu của Ukraine, chẳng hạn như lúa mỳ, thỏa thuận trên sẽ đảm bảo rằng Ủy ban châu Âu có thể hành động nhanh chóng và áp đặt bất kỳ biện pháp nào cần thiết.

Trong khi đó, Ukraine cho rằng hàng xuất khẩu của nước này sẽ không gây tổn hại cho thị trường EU, nhất là khi khoảng 95% lượng nông sản xuất khẩu của Ukraine hiện đang đi qua Biển Đen.

Hồi tháng Một vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất đình chỉ thuế và hạn ngạch đối với nông sản Ukraine thêm một năm nữa và chỉ áp thuế “khẩn cấp” đối với gia cầm, trứng và đường khi lượng hàng nhập khẩu vượt mức trung bình của năm 2022 và 2023./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục