EU nhất trí tăng thêm 70% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết Tây Baltic

EU nhất trí tăng 70% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết so với năm nay lên 9.515 tấn vào năm tới, cao hơn 2 lần so với đề xuất tăng 31% của Ủy ban châu Âu (EC).
EU nhất trí tăng thêm 70% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết Tây Baltic ảnh 1Cá tuyết. (Nguồn: AFP)

Bộ trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) nhất trí sẽ nâng hạn ngạch đánh bắt cá tuyết khu vực Tây Baltic trong khuôn khổ quy định đánh bắt mới vào năm 2019.

Tại cuộc họp ở Luxembourg ngày 15/10, các bộ trưởng EU khẳng định mục tiêu bảo vệ các cộng đồng đánh bắt cá Biển Baltic đồng thời vẫn đảm bảo nguồn cá lâu dài.

EU nhất trí tăng 70% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết so với năm nay lên 9.515 tấn vào năm tới, cao hơn 2 lần so với đề xuất tăng 31% của Ủy ban châu Âu (EC). Trong khi đó, thống nhất giảm 15% hạn ngạch đánh bắt cá tuyết khu vực Đông Baltic xuống 24.112 tấn.

Đối với loài cá trích, hạn ngạch đánh bắt cá cũng sẽ giảm 48% xuống 9.001 tấn.

Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn nhất trí giảm sản lượng khai thác cá hồi khai thác ở Vịnh Phần Lan xuống 9.703 tấn (giảm 3%).

EU cũng kêu gọi giảm hạn ngạch đánh bắt cá trích ở khu vực miền Trung Biển Baltic và Vịnh Bothnia (phía Bắc Biển Baltic) xuống lần lượt 170.360 tấn và 88.703 tấn.

Trái lại, thống nhất nâng hạn ngạch đánh bắt cá bơn và cá trích cơm lên lần lượt là 10.122 tấn và 270.772 tấn.

[Nhật Bản bị chỉ trích về chiến dịch bắt cá voi ngoài khơi biển Đông]

Bộ trưởng Du lịch, Nông nghiệp và Bền vững Áo Elisabeth Koestinger nêu rõ các nước EU đang tiến gần hơn tới mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo được tính bền vững các nguồn cá biển của EU.

Bà Koestinger cũng nhấn mạnh quyết định ngày 15/10 là một bước đi quan trọng khác hướng tới việc đạt mục tiêu này, đồng thời vẫn đảm bảo khả năng tồn tại và phát triển kinh tế xã hội của các cộng đồng ven biển.

Tuy nhiên, động thái trên đã vấp phải sự phản đối từ nhóm các nhà môi trường học "Our Fish," Theo đó, người đứng đầu "Our Fish," bà Rebecca Hubbard, cáo buộc các nước EU và Ủy ban châu Âu thường xuyên khai thác cạn kiệt các nguồn dự trữ cá vì lợi nhuận ngắn hạn, bất chấp sự phản đối của giới khoa học và người dân.

Bà cho rằng sai lầm này sẽ khó có thể giúp cải thiện đáng kể việc phục hồi nguồn dự trữ cá, hay góp phần tạo ra lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế từ nguồn dữ trự cá chất lượng và bền vững vào năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục