EU nhất trí biện pháp trừng phạt mới với Iran, Syria

Tại cuộc họp ngày 23/1, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và Syria.
Tại cuộc họp diễn ra ngày 23/1 ở Brussels (Bỉ), các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran và Syria đồng thời đang cân nhắc khả năng nới lỏng các biện pháp cấm vận Myanmar.

Các ngoại trưởng EU đã quyết định áp đặt lệnh cấm vận nhằm vào hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran giữa lúc phương Tây đang gia tăng sức ép đối với chương trình hạt nhân của nước này. Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm cấm nhập khẩu dầu thô, các sản phẩm hóa dầu và vàng của Iran.

Ủy viên phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton cho biết "sức ép cấm vận đối với Iran được đưa ra nhằm buộc Tehran xem xét nghiêm túc những yêu cầu về vấn đề quay trở lại bàn đàm phán.”

EU là thị trường tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Iran. Việc EU ngừng nhập khẩu dầu của Tehran được coi là một đòn mạnh giáng vào nền kinh tế của quốc gia Hồi giáo này.

Để bảo đảm nguồn cung cấp dầu, EU đang tiến hành các nỗ lực ngoại giao nhằm nhập khẩu dầu từ các nhà cung cấp khác.

Arập Xêút - nước có sản lượng dầu lớn nhất thế giới, cho biết sẽ tăng sản lượng khai thác thêm khoảng 2 triệu thùng mỗi ngày, gần tương đương với khối lượng 2,6 triệu thùng mỗi ngày mà Iran cung cấp cho các thị trường quốc tế.

Cũng tại cuộc họp, các ngoại trưởng EU đã thông qua các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Syria. EU đã công bố danh sách 22 cá nhân và 8 doanh nghiệp Syria sẽ bị cấm nhập cảnh vào EU và bị phong tỏa tài sản. Những cá nhân nằm trong danh sách này phần lớn là giới lãnh đạo quân sự và quan chức an ninh của Syria.

Tính đến nay, EU đã 10 lần công bố các biện pháp trừng phạt chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad với tổng cộng khoảng 120 cá nhân và nhiều công ty nằm trong danh sách bị phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Anh William Hague cho biết các ngoại trưởng EU có thể đạt được sự nhất trí về vấn đề nới lỏng lệnh cấm vận đối với Myanmar, coi đây là sự khích lệ đối với những cải cách mà chính phủ quốc gia Đông Nam Á này đang thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục