Ủy ban châu Âu (EC) thông báo với các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) rằng việc EU rút khỏi một hiệp ước năng lượng quốc tế gây tranh cãi dường như là " không thể tránh khỏi" trong bối cảnh một số nước thành viên đã rút khỏi hiệp ước này.
Trong một tài liệu được chia sẻ với các nước thành viên EU, EC cho biết lựa chọn "đầy đủ nhất" sẽ là để EU và 27 quốc gia thành viên rời khỏi Hiệp ước Hiến chương Năng lượng và việc này dường như là không thể tránh khỏi.
Theo tài liệu, đây không phải là lập trường chính thức của EC về vấn đề này, song phản ánh quan điểm sơ bộ của EC và nhằm mục đích hướng dẫn thảo luận giữa các quốc gia thành viên về các bước đi tiếp theo. EC cho biết nhiều yếu tố đã khiến cơ quan hành pháp này của EU đưa ra đánh giá này.
Hiệp ước Hiến chương Năng lượng được ký kết vào năm 1994, với sự tham gia của EU và khoảng 50 quốc gia. Hiệp ước này được đề ra để bảo vệ các công ty trong ngành năng lượng bằng cách cho phép các công ty khởi kiện chính phủ về các chính sách ảnh hưởng đến đầu tư của công ty.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hiệp ước này đã được sử dụng để phản đối các chính sách của chính phủ yêu cầu các nhà máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải đóng cửa - làm dấy lên lo ngại cho rằng hiệp ước này gây trở ngại cho nỗ lực giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
[Na Uy có kế hoạch viện trợ hơn 7 tỷ USD cho Ukraine trong 5 năm tới]
Hồi năm ngoái, một số nước tham gia hiệp ước đã đồng ý một số cải cách, song vấp phải sự phản đối của các nước EU. Do vậy, hiệp ước chưa cải cách này với quy định bảo vệ đầu tư mạnh mẽ hơn tiếp tục được áp dụng. Theo EC, phần còn lại của hiệp ước sẽ rõ ràng gây phương hại tới các mục tiêu về khí hậu mà EU đề ra.
Pháp, Đức, Hà Lan, Ba Lan và Tây Ban Nha đã tuyên bố kế hoạch rút khỏi hiệp ước này sau khi Italy rút khỏi hiệp ước vào năm 2016.
Theo EC, việc đàm phán lại hiệp ước là không khả thi trong bối cảnh một số nước rút khỏi hiệp ước. EU sẽ cần sự ủng hộ của ít nhất 15 nước thành viên và Nghị viện châu Âu mới có thể rút khỏi hiệp ước này./.