Iran chưa sẵn sàng trở lại bàn đàm phán với các cường quốc thế giới về chương trình hạt nhân tại Vienna (Áo) và đoàn đàm phán mới của Iran muốn thảo luận văn bản tại cuộc gặp các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels (Bỉ) trong vài tuần tới.
Đây là thông báo mới nhất được đặc phái viên của EU điều phối vấn đề Iran, ông Enrique Mora, đưa ra ngày 15/10 khi đánh giá về triển vọng nối lại hòa đàm giữa các bên liên quan vấn đề này.
Quan chức châu Âu này đang có chuyến thăm Tehran từ ngày 14/10 để hội đàm với đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, bốn tháng sau khi các cuộc thảo luận giữa Iran và các cường quốc đổ vỡ.
Iran nhiều lần nói là sẽ "sớm" trở lại đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) nhưng không đưa ra thời gian biểu rõ ràng. Các nhà ngoại giao phương Tây hy vọng đàm phán tại Vienna có thể nối lại trong tháng 10.
Tuy nhiên, sau chuyến thăm của ông Mora, Bộ Ngoại giao Iran cho biết sẽ đàm phán với EU tại Brussels trong những ngày tới và "nhấn mạnh rằng họ không muốn đàm phán chỉ để đàm phán mà muốn có kết quả thiết thực và một thỏa thuận cuối cùng về cứu vãn JCPOA."
Các nhà ngoại giao phương Tây bày tỏ lo ngại rằng đoàn đàm phán mới của Iran - dưới quyền một tân tổng thống nổi tiếng cứng rắn chống phương Tây, có thể đưa ra những đòi hỏi mới khó khăn hơn cho tiến trình đàm phán.
[Mỹ muốn các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran ở Vienna sớm khởi động lại]
Tuy nhiên, mô tả cuộc gặp tại Brussels là "một ý tưởng hay," ông Mora cho biết sẽ đây sẽ là cơ hội để hai bên thảo luận sâu về các văn kiện được đưa ra thảo luận từ tháng Sáu và làm rõ các vấn đề của Iran.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến nay vẫn từ chối nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp với Mỹ ở Vienna nhằm cứu vãn JCPOA.
Các nhà ngoại giao Pháp, Anh và Đức, các bên tham gia thỏa thuận trên cùng với Trung Quốc và Nga, nhận định đã đến thời điểm then chốt khi Iran đang gia tăng các hoạt động hạt nhân và các cuộc đàm phán thì bế tắc. Về phần mình, Mỹ cũng cho rằng thời gian sắp hết.
Theo thỏa thuận JCPOA ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Mỹ, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran hạn chế chương trình làm giàu urani để đổi lấy việc được dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi JCPOA và đơn phương tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran. Đáp lại, Tehran dần từ bỏ việc thực thi các cam kết trong thỏa thuận kể từ tháng 5/2019.
Sau khi nhậm chức hồi tháng Một, Tổng thống Joe Biden cam kết Mỹ sẽ trở lại thỏa thuận. Hiện các bên đang thúc đẩy đàm phán cứu vãn thỏa thuận này. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán tạm ngừng vào tháng Sáu vừa qua do sự thay đổi lãnh đạo ở Iran./.