EU 'ngủ quên' hay 'chậm mà chắc' trong cuộc đua vũ trụ tiếp theo?

Cách tiếp cận của châu Âu với không gian vũ trụ là khá khiêm tốn khi so sánh với sự tráng lệ của các chương trình của Mỹ, Nga và Trung Quốc.
EU 'ngủ quên' hay 'chậm mà chắc' trong cuộc đua vũ trụ tiếp theo? ảnh 1Tên lửa đẩy Soyuz-ST mang theo các vệ tinh rời bệ phóng tại trung tâm vũ trụ ở Kourou. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, trong lúc phần còn lại của thế giới đang chật vật để giành thế thống trị tại các ngôi sao, thì châu Âu lại tỏ ra thận trọng, mong muốn tạo ra những ảnh hưởng thực tế đối với các công nghệ mới này.

Đây không phải là hiện tượng mới, mà là sự tiếp tục các chính sách họ đã thực thi từ những năm 50 của thế kỷ trước.

Trong lúc Nga phóng vệ tinh Sputnik và Tổng thống Mỹ John F. Kennedy hứa hẹn với người dân Mỹ rằng họ sẽ đặt chân lên Mặt Trăng vào cuối thập kỷ đó, châu Âu lại vội vàng xây dựng cơ sở hạ tầng và đặt nền móng cho Liên minh châu Âu (EU).

Họ đã thiết lập hệ thống phúc lợi xã hội hiện đại và củng cố cộng đồng vì hòa bình và hữu nghị. Họ chưa bao giờ nhìn nhận không gian như cách mà phần còn lại của thế giới nhìn nhận.

Tháng 1/2020, Jean-Jacques Tortora, Giám đốc Viện Chính sách Vũ trụ châu Âu, phát biểu với Politico: “Châu Âu chưa bao giờ là một phần trong cuộc chạy đua vũ trụ hay cuộc cạnh tranh quốc tế.”

Giống như hầu hết các nhà hoạch định chính sách châu Âu, ông nhấn mạnh rằng Brussels thay vào đó tập trung vào việc phát triển các ứng dụng không gian “hữu ích.”

Đã hơn 50 năm kể từ khi Neil Armstrong, người đầu tiên trên thế giới, đặt chân lên Mặt Trăng. Bất chấp sự thiếu vắng hỗ trợ tài chính của Mỹ cho chương trình vũ trụ, thế giới vẫn phải chạy đua quyết liệt để theo kịp Mỹ.

[Nga và phương Tây trong cuộc chạy đua vũ trang về lĩnh vực không gian]

Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) đã phát triển với tốc độ chóng mặt kể từ khi Mao Trạch Đông thiết lập cơ quan này hồi thập niên 50 của thế kỷ XX để chống lại các mối đe dọa của Mỹ nhằm sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc chiến tiềm tàng. Bắc Kinh đã phóng rocket đầu tiên vào năm 1960.

CNSA ngày nay là cơ quan vũ trụ lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, nhưng điều đó không thể ngăn cản họ tiếp tục làm nên lịch sử.

Năm 2019, Chang’e 4 (Hằng Nga 4) là tàu thăm dò đầu tiên đổ bộ xuống khu vực chưa từng được khám phá của Mặt Trăng, đánh bại các đối thủ quốc tế khác như Roscosmos của Nga.

Không giống Mỹ, Trung Quốc hay Nga, châu Âu chưa bao giờ tham gia vào bất kỳ cuộc cạnh tranh quốc tế nào và chưa từng góp mặt trong cuộc chiến lớn nào kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Cho dù có sự phát triển của ngành vũ trụ hay không, châu Âu vẫn có sự bảo hộ của NATO, Mỹ, EU và vô số liên minh khác. Họ ở vị trí hoàn hảo để tận dụng các lợi thế này và trở thành cường quốc vũ trụ tiếp theo.

Tuy nhiên, châu Âu lại ưa thích vai trò mà họ đang đảm nhiệm. Trong lúc phần còn lại của thế giới vội vàng vũ khí hóa “mặt trận” cuối cùng, thì mục tiêu tham vọng nhất của Cơ quan Vũ trụ châu Âu là thiết lập “Làng mặt trăng” hòa bình và hữu nghị, đóng vai trò kế nhiệm Trạm vũ trụ Quốc tế (ISS).

Thậm chí trong những tháng gần đây, Đức và Pháp đã nhất trí về chương trình để bắt đầu tập trung vào các ứng dụng công nghệ, thay vì các sứ mệnh thăm dò vũ trụ trong tương lai. Riadh Cammoun, nhà phụ trách các vấn đề lập quy tại Công ty vũ trụ Thales Alenia Space của Pháp, muốn EU đẩy mạnh hơn nữa các hệ thống để giám sát và dọn dẹp rác thải không gian và tài trợ cho Govsatcomm - hệ thống vệ tinh liên lạc chính phủ.

Tuy nhiên, hiện cũng có một số tiếng nói kêu gọi Brussels hành động hơn nữa. Phát biểu tại một hội nghị về vũ trụ tại Brussels năm ngoái, cựu Cao ủy về Thị trường Nội bộ Elżbieta Bieńkowska nói: “Tôi đã nghe nói về một xã hội trên quỹ đạo. Tại sao không? Tôi nghe thấy một số đang nhắm tới Mặt Trăng và Làng Mặt Trăng. Tại sao không? Tôi cũng nghe nói châu Âu nên sở hữu năng lực để có được các máy bay đưa người vào không gian và không phụ thuộc vào các nước khác: Chắc chắn là nên như vậy!”

Quan điểm cho rằng châu Âu nên đóng vai trò quyết liệt hơn trong không gian đã nhận được nhiều ủng hộ, trong đó có Pedro Duque, người từng là phi hành gia và Bộ trưởng Khoa học của Tây Ban Nha.

Ông nói: “Thay vì chỉ sử dụng không gian cho các dịch vụ, chúng ta cũng nên nghĩ tới việc châu Âu có mục tiêu dài hạn đó là khiến người dân của họ cảm nhận sự nhiệt huyết và truyền cảm hứng cho các thế hệ tới.”

Cách tiếp cận của châu Âu với không gian vũ trụ là khá khiêm tốn khi so sánh với sự tráng lệ của các chương trình của Mỹ, Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhớ tới câu ngạn ngữ “chậm mà chắc”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục