Ngày 11/5, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã kêu gọi Burundi hoãn tổ chức bầu cử sau khi xảy ra các cuộc biểu tình đẫm máu tại nước này nhằm phản đối Tổng thống Pierre Nkurunziza tranh cử nhiệm kỳ thứ 3.
Trong một tuyên bố, Đặc phái viên EU Koen Vervaeke đã kêu gọi Chính phủ Burundi áp dụng các biện pháp để làm dịu tình hình và hoãn tổ chức bầu cử.
Theo ông Vervaeke, Burundi không đáp ứng được điều kiện tối thiểu để có thể thực hiện bầu cử, đó là quyền tự do của phương tiện truyền thông và các cuộc biểu tình trong hòa bình. Đại sứ Mỹ tại Burundi Dawn Liberi cũng có tuyên bố tương tự.
Hồi tuần trước, người đứng đầu Ủy ban Liên minh châu Phi Nkosazana đã cảnh báo rằng hiện không phải là thời điểm thuận lợi để tiến hành bầu cử và ông Nkurunziza không nên có nhiệm kỳ tổng thống thứ ba.
Trong khi đó, Bỉ, Hà Lan và Thụy Sĩ đã hoãn viện trợ quan trọng cho tiến trình bầu cử tại Burundi do tình trạng bạo lực ở nước này.
Ngày 11/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng phụ trách hợp tác và phát triển, Alexander De Croo cho biết Brussels đã quyết định ngừng viện trợ cho tiến trình bầu cử tại Burundi và chấm dứt ủng hộ phái bộ cảnh sát tại quốc gia Trung Phi này.
Với quyết định này, Bỉ sẽ đình chỉ việc giải ngân 2 triệu euro còn lại trong khoản viện trợ trị giá 4 triệu euro để hỗ trợ cuộc bầu cử ở Burundi.
Ngoài ra, Brussels cũng tạm ngừng đóng góp cho phái bộ cảnh sát ở Burundi với sự tham gia của cả Hà Lan, bằng việc đình chỉ khoản viện trợ 3 triệu euro trong ngân sách trị giá 5 triệu euro dành cho lực lượng này.
Theo kế hoạch, Burundi tiến hành tổng tuyển cử trong khoảng thời gian từ 26/5 đến 24/8, bầu cử tổng thống dự kiến vào ngày 24/6.
Căng thẳng tại Burundi gia tăng từ nhiều tháng nay sau khi đảng Hội đồng Quốc gia bảo vệ nền dân chủ - Các lực lượng bảo vệ nên dân chủ (CNDD-FDD) cầm quyền chọn Tổng thống Pierre Nkurunziza làm ứng viên tổng thống cho cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 26/6 tới.
Phe đối lập và các nhóm nhân quyền cho rằng động thái này vi phạm Hiến pháp Burundi, cũng như Thỏa thuận hòa bình và hòa giải Arusha, theo đó quy định Tổng thống không được giữ ghế quá hai nhiệm kỳ.
Ngày 26/4, phe đối lập đã kêu gọi biểu tình, và kể từ đó đến này đã có ít nhất 19 người thiệt mạng, hàng chục người bị thương và gần 600 người đã bị cảnh sát bắt giữ. Theo Liên hợp quốc, hơn 50.000 người dân Burundi đã phải chạy sang các quốc gia láng giềng lánh nạn./.