EU-Mỹ "đấu khẩu" về hạn mức khí thải hàng không

EU và Mỹ đã xung đột sau khi đơn của các hãng hàng không Mỹ và Canada yêu cầu EU ngừng áp dụng luật mới về mức khí thải bị bác bỏ.
Ngày 21/12, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đã "đấu khẩu" với nhau sau khi Tòa án Pháp lý châu Âu (ECJ) bác đơn của một số hãng hàng không Mỹ và Canada, yêu cầu EU ngừng áp dụng đạo luật mới về hạn mức khí thải, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2012.

Đạo luật về hạn mức khí thải, được EU nhất trí tháng 6/2008, quy định các chuyến bay qua không phận EU phải mua quyền thải khí trong không phận này ở mức 15% trong năm 2012, tiếp đó là 18% trong thời gian từ 2013-2020, trong khuôn khổ Chế độ trao đổi hạn ngạch khí thải (ETS).

ECJ tuyên bố, việc EU áp dụng đạo luật này không vi phạm luật hải quan quốc tế hay "Thỏa thuận về bầu trời mở," vì thế các hãng hàng không Mỹ phải tuân thủ đạo luật này như các công ty EU tôn trọng các quy định của Washington.

Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định, đạo luật mới sẽ được áp dụng đúng kế hoạch vào đầu Năm Mới. Kết quả khảo sát sơ bộ do cố vấn cấp cao của ECJ công bố tháng 10 vừa qua cũng khẳng định đạo luật về hạn mức khí thải mới không vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác và phù hợp với các thỏa thuận quốc tế.

Bộ Giao thông Vận tải Mỹ ngay lập tức đã phản đối phán quyết trên của ECJ, cho rằng EU áp đặt chính sách riêng của mình với các quốc gia khác.

Hiệp hội các hãng hàng không Mỹ kêu gọi EU xem xét lại đạo luật về hạn mức khí thải mới với lý do quy định về hạn mức khí thải phải được áp dụng trên cơ sở toàn cầu, nếu không họ sẽ tiếp tục theo đuổi vụ kiện.

Các hãng hàng không Bắc Mỹ cho rằng, đạo luật về hạn mức khí thải mới của EU mang tính phân biệt đối xử và sẽ dẫn tới hình thức "thuế chui."

Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ "hành động thích đáng" nếu EU không xem xét lại đạo luật nói trên, đồng thời cảnh báo vấn đề này phải được giải quyết trong khuôn khổ Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc Liên hợp quốc.

Trong bức thư gửi giới chức EU trong tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Giao thông Vận tải nước này Raymond LaHood hối thúc EU xem xét lại đạo luật mới và cam kết lại với các nước khác trên thế giới.

Theo Nghị định thư Kyoto về chống biến đổi khí hậu đạt được năm 1997, các nước tham gia cam kết cùng giải quyết vấn đề khí thải thông qua ICAO. Tuy nhiên, hơn một thập kỷ qua, các cuộc đàm phán tại ICAO về vấn đề này vẫn không đạt tiến bộ đáng kể. Vì thế, ECJ cho rằng EU có quyền hành động đơn phương./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục