Ngày 25/6, Bộ Công Thương phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức hội thảo báo cáo kết quả giữa kỳ dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap).
Hội thảo nhằm đánh giá những thuận lợi cũng như những hạn chế của dự án sau nửa kỳ thực hiện. Đồng thời, tập hợp các ý kiến đề xuất, khuyến nghị để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung trong thời gian còn lại của dự án.
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương), Giám đốc dự án EU-Mutrap, cho biết dự án EU-Mutrap được khởi động từ cuối năm 2012 với nhiều hoạt động khác nhau.
Ban Quản lý dự án và các đơn vị thực hiện đã phối hợp xuất bản trên 20 báo cáo nghiên cứu, phổ biến trên 20 ấn phẩm và tổ chức trên 130 hội thảo về những nội dung của dự án này.
Trong 3 nhóm nội dung của dự án, kết quả nổi bật của dự án là cải thiện khuôn khổ chính sách thương mại và đầu tư tại Việt Nam.
Dự án cũng đã triển khai 6 tiểu dự án do Ủy ban châu Âu (EC) trực tiếp tài trợ.
Đánh giá kết quả sơ bộ nửa kỳ của dự án, ông Wengou Cai, Trưởng nhóm đánh giá, cho rằng kết quả của dự án là phù hợp với những tiêu chí của các đơn vị mặc dù còn dàn trải; tốc độ khởi động dự án còn chậm nhưng về sau dự án đã bắt kịp tiến độ đề ra. Hầu hết các chuyên gia nước ngoài có năng lực tốt; hiệu suất dự án lúc đầu chưa cao nhưng sau đó đã được cải thiện.
Đặc biệt, dự án đã đạt được thành công khi nhất trí đưa chất amiăng trắng vào danh mục chất bị cấm theo công ước Rotterdam; nước mắm Phú Quốc đã được trao chứng nhận đăng bạ “Tên gọi xuất xứ” tại châu Âu; đã có những Thông tư tạo thuận lợi cho việc di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp; đóng góp lớn vào công tác xây dựng năng lực liên quan đến thương mại thông qua nghiên cứu, hội thảo.
Tuy nhiên, đóng góp của dự án vào quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và châu Âu còn khiếm tốn; còn thiếu sót trong việc tài trợ và giám sát tiểu dự án, hoạt động có hiệu suất và hiệu quả thấp, phí chuyên gia trong nước thấp, sự trao đổi thông tin giữa các bên liên quan còn yếu.
Ông Fracessco Abbate, chuyên gia cấp cao dự án, đã đưa ra khuyến nghị về cách thức để dự án tập trung tốt hơn trong 3 năm tới là tiêu chí lựa chọn bên hưởng lợi dự án cần khắt khe hơn; dự án cần tập trung hơn vào các hoạt động cho khu vực doanh nghiệp và cải thiện đa dạng hóa các phương thực thực hiện đồng thời cần bổ sung nội dung Hiệp định vào những kết quả của dự án.
Bên cạnh đó, dự án cũng cần phải hỗ trợ khu vực doanh nghiệp chuẩn bị cho các tác động của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU.
Dự án Hỗ trợ chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) do cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương và tài trợ là Liên minh châu Âu với tổng số vốn là 16,5 triệu euro, bao gồm 15 triệu euro của Liên minh châu Âu và 1,5 triệu euro đóng góp của Chính phủ Việt Nam và các bên hưởng lợi.
Mục tiêu tổng thể của dự án là hỗ trợ Việt Nam hội nhập sâu hơn vào hệ thống thương mại toàn cầu, ASEAN và hợp tác tiêu vùng; tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU, tối đa hóa lợi ích của quá trình phát triển kinh tế, bao gồm tăng trưởng kinh tế toàn diện và xóa đói giảm nghèo.
Mục tiêu cụ thể của dự án là hỗ trợ Bộ Công Thương tiến hành thuận lợi hóa thương mại quốc tế và đầu tư thông qua việc tăng cường năng lực hoạch định chính sách, tham vấn chính sách đàm phán và thực thi các cam kết, đặc biệt và trong quan hệ với EU./.