EU muốn thống nhất các quy định về thuế doanh nghiệp trên toàn khối

EC đề xuất các giải pháp nhằm điều chỉnh chính sách thuế doanh nghiệp của EU cho phù hợp hơn với thế giới hiện đại, khi các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới qua Internet trở nên phổ biến.
(Nguồn: Reuters)
(Nguồn: Reuters)

Ủy ban châu Âu (EC) muốn vào năm 2023 sẽ đưa ra đề xuất về các quy định thống nhất hơn về thuế doanh nghiệp tại Liên minh châu Âu (EU), hy vọng rằng các quy định trước đây không nhận được sự ủng hộ sẽ nhiều khả năng được thông qua hơn nếu dựa trên các giải pháp mà Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự kiến sẽ nhất trí được trong năm nay.

Ngày 18/5, EC sẽ công bố kế hoạch bao gồm đề xuất trên và các giải pháp khác nhằm điều chỉnh chính sách thuế doanh nghiệp của EU cho phù hợp hơn với thế giới hiện đại, khi các hoạt động kinh doanh qua biên giới, thường thông qua Internet, trở nên phổ biến.

Vào tháng Sáu, OECD sẽ nhất trí các quy định toàn cầu về nơi nào sẽ thu thuế các tập đoàn đa quốc gia lớn như Google, Amazon, Facebook, Apple hay Microsoft và mức tối thiểu đến đâu là hiệu quả.

[Châu Âu 'dò bước' qua khủng hoảng làn sóng lây nhiễm COVID-19]

Thỏa thuận trên nhằm ngăn chặn việc các chính phủ cạnh tranh lẫn nhau thông qua việc hạ mức thuế để thu hút đầu tư và đưa đến giải pháp để thu thuế lợi nhuận ở những nơi có những khách hàng của các doanh nghiệp thay vì ở những nơi mà một doanh nghiệp thành lập văn phòng cho các mục đích liên quan đến thuế.

EC muốn từ thỏa thuận của OECD để đề xuất các quy định thống nhất hơn về thuế doanh nghiệp cho 27 quốc gia thành viên EU khi hiện đang tồn tại 27 hệ thống thuế.

Theo một dự thảo thông báo mà EC chuẩn bị cho ngày 18/5, thỏa thuận toàn cầu sắp tới sẽ đánh dấu một bước đi có ý nghĩa quyết định trong việc cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp quốc tế.

Trên phạm vi EU, dựa trên tiến triển đạt được trên toàn cầu, khối này sẽ thúc đẩy một chương trình nghị sự tham vọng về thuế doanh nghiệp nhằm đảm bảo thu thuế công bằng và hiệu quả.

EC sẽ đề xuất bộ quy định "Doanh nghiệp ở châu Âu: Chính sách thuế thu nhập" (BEFIT) áp dụng trên toàn EU, cho phép đánh cùng mức thuế với các khoản lợi nhuận và phân bổ lợi nhuận chịu thuế giữa các nước trong khối theo một công thức.

EC tin rằng BEFIT sẽ giảm bớt các rào cản đầu tư qua biên giới, hạn chế tình trạng quan liêu tại thị trường chung EU với 450 triệu dân, đẩy lùi tình trạng trốn thuế và bảo vệ việc làm, thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục