Một ngày sau khi Mỹ thông báo sẽ tăng thuế đối với một số mặt hàng nhập khẩu nhất định từ Liên minh châu Âu (EU), ngày 31/12, EU đã bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định trên, cho rằng Washington đã "đơn phương" gây gián đoạn các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra về vấn đề trợ cấp cho hai hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ.
Trong tuyên bố của mình, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết "lấy làm tiếc vì Mỹ đã chọn cách bổ sung các sản phẩm của EU vào danh sách trả đũa" trong vụ kiện hãng sản xuất máy bay Airbus của châu Âu tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về trợ giá máy bay. Tuyên bố khẳng định EU sẽ liên hệ với chính quyền mới của Mỹ "trong thời gian sớm nhất có thể để tiếp tục các cuộc đàm phán này và tìm kiếm một giải pháp lâu dài cho mối bất đồng hiện nay."
Trước đó, ngày 30/12, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) xác nhận cơ quan này sẽ áp thuế bổ sung đối với các linh kiện chế tạo máy bay và một số loại vang không có gas, cũng như rượu cognac và các loại rượu mạnh khác nhập khẩu từ Pháp và Đức. Theo USTR, EU đã tính toán không công bằng mức thuế quan nhằm vào Mỹ và "EU cần có biện pháp nào đó bù đắp cho sự bất công này." USTR cho biết các biện pháp thuế quan bổ sung nêu trên sẽ được sớm công bố, song không tiết lộ khi nào các mức thuế mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực.
[Mỹ áp thuế bổ sung đối với một số hàng hóa nhập khẩu từ EU]
Đây được xem là bước ngoặt mới nhất trong tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương vốn đã kéo dài 16 năm và 4 đời Tổng thống Mỹ liên quan đến việc trợ cấp hàng không dân dụng cho hãng Airbus và đối thủ cạnh tranh Boeing của Mỹ. Hồi tháng 10/2019, sau một phán quyết của WTO cho rằng các nước châu Âu đã trợ cấp trái phép cho hãng sản xuất máy bay Airbus, Washington đã bắt đầu áp thuế trả đũa với số hàng hóa xuất khẩu của EU trị giá 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên, Washington chưa sử dụng hết hạn ngạch này và nền kinh tế lớn nhất thế giới hoàn toàn có thể tăng thuế đối với nhiều loại hàng hóa khác nhau của châu Âu hoặc mở rộng danh sách mục tiêu đánh thuế.
Đến tháng 10 năm nay, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO đã cho phép EU thực hiện các biện pháp trả đũa Mỹ vì trợ cấp bất hợp pháp dành cho hãng sản xuất máy bay Boeing của nước này. Phía Washington cho rằng các động thái thuế quan của EU không có cơ sở pháp lý nào vì các khoản trợ cấp cơ bản cho Boeing đã bị bãi bỏ. Tuy nhiên, các quan chức châu Âu lại lập luận rằng chỉ có WTO mới có thể quyết định về việc tuân thủ phán quyết và tổ chức này đã cho phép EU đáp trả./.