Ngày 16/4 tại Luxembourg, Bộ trưởng ngoại giao 28 nước Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ sự đồng cảm đối với chiến dịch tấn công của Mỹ, Pháp và Anh nhằm vào Syria và kêu gọi tái khởi động tiến trình chính trị để chấm dứt xung đột tại nước này.
Theo một tuyên bố sau cuộc họp của Hội đồng đối ngoại, các Bộ trưởng ngoại giao EU đánh giá cuộc không kích mới đây là những biện pháp đặc thù được thực hiện trong mục đích ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học.
Các Ngoại trưởng EU thống nhất lên án việc sử dụng vũ khí hóa học của Syria, và nhiều Bộ trưởng đánh giá vai trò của Nga là cần thiết cho quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột hiện nay tại Syria.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đánh giá nếu không có nước Nga sẽ không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng tại Syria và điều quan trọng hiện nay là tránh các hành động leo thang quân sự trong khu vực.
Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynders nhấn mạnh các bên cần phải nối lại tiến trình đối thoại chính trị về Syria với Nga và Iran, hai quốc gia đang hậu thuẫn cho chính quyền Damacus hiện nay. Ngoại trưởng Luxembourg Jean Asselborn tuyên bố các cuộc tấn công của phương Tây tại Syria là một chiến dịch duy nhất và chỉ nên dừng ở mức độ như vậy. Ngoại trưởng 28 nước EU cũng kêu gọi Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ngừng các hoạt động quân sự và tạo thuận lợi cho hoạt động hỗ trợ nhân đạo.
Tuần tới, EU sẽ tổ chức một Hội nghị tại Brussels bàn về tương lai của Syria nhằm đạt được các cam kết về tài chính cho viện trợ nhân đạo và thúc đẩy một tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc khởi xướng.
Nhấn mạnh rằng "không thể có giải pháp quân sự" cho cuộc xung đột kéo dài 7 năm tại Syria, EU đã nhiều lần kêu gọi tổ chức các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ ở Geneva để tạo ra động lực mới giải quyết cuộc xung đột.
Tại hội nghị, EU cũng chưa thông qua được các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran khi Italy phản đối và lo sợ rằng việc trừng phạt Teheran vì chương trình tên lửa cũng như vai trò của nước này trong khu vực không ngăn cản tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) về chương trình hạt nhân của Iran.
EU mong muốn cứu vãn JCPOA với điều kiện Iran chấp nhận giảm các tham vọng hạt nhân trong ít nhất một thập kỷ, nhưng Tổng thống Mỹ đã chỉ trích dữ dội ý tưởng này. Phát biểu bên lề cuộc họp, một số Ngoại trưởng EU tuyên bố tình hình hiện nay cho thấy EU có thể không đạt thời hạn vào tháng 5 tới để sửa đổi JCPOA, được ký năm 2015./.