EU lùi kế hoạch triển khai 10.000 lính tại các đường biên giới

Ngày 6/12, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên EU nhóm họp tại Brussels của Bỉ để thảo luận về các kế hoạch giải quyết vấn đề di cư hiện đang là một trong những vấn đề thách thức của khối.
EU lùi kế hoạch triển khai 10.000 lính tại các đường biên giới ảnh 1Bộ trưởng Nội vụ Áo Herbert Kickl. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Ngày 6/12, Bộ trưởng Nội vụ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels của Bỉ để thảo luận về các kế hoạch giải quyết vấn đề di cư hiện đang là một trong những vấn đề thách thức của khối.

Bộ trưởng Nội vụ Áo - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, ông Herbert Kickl đã chủ trì cuộc họp này.

Phát biểu trước báo giới, ông Kickl nhận định rằng kế hoạch của EU về việc triển khai một lực lượng an ninh gồm 10.000 thành viên tại các tuyến đường biên giới trên biển và đường bộ của các nước thành viên trong 2 năm tới nhằm ngăn chặn người di cư là không khả thi. Do đó, các nước cần đánh giá cụ thể kế hoạch này.

Theo ông Kickl, cho đến nay, EU chưa có có bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến kế hoạch này ngoài một con số cụ thể 10.000 trên giấy. Do đó, ông Kickl khẳng định thời gian biểu triển khai kế hoạch nói trên sẽ bị đẩy lùi.

Người đứng đầu Bộ Nội vụ Áo cho rằng kế hoạch này sẽ dần được định hình trong khuôn khổ ngân sách của EU giai đoạn 2021-2027 mà hiện các nước thành viên đang thương lượng.

[Nga: EU và NATO phải có trách nhiệm ngăn Ukraine phát động cuộc chiến]

Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer có cùng nhận định khi cho rằng các nước thành viên EU không nên đưa ra những cam kết phi thực tế.

Theo ông, đến năm 2020, các nước EU cần phải thảo luận để xác định số lượng cụ thể các trạm tiếp nhận người di cư được thành lập. Việc thiết lập trạm tiếp nhận người di cư đã được các nước thành viên nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng Sáu vừa qua.

Hồi tháng Chín vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã công bố kế hoạch tăng quân số cho lực lượng bảo vệ tại biên giới biển và đường bộ của các nước thành viên, từ mức 1.300 thành viên hiện nay, lên 10.000 người.

Tuy nhiên, nhiều nước thành viên không ủng hộ kế hoạch này. Ba Lan cho rằng kế hoạch này sẽ gia tăng thâm hụt ngân sách của EU, khiến nhiều dự án xây dựng đường sá và cơ sở hạ tầng thiếu hụt ngân sách.

Trong khi đó, Italy, Hy Lạp và Tây Ban Nha - những nước "tuyến đầu" tiếp nhận người di cư, bày tỏ quan ngại việc các lực lượng bảo vệ biên giới được tuyển mộ từ các nước khác sẽ làm gây ảnh hưởng đến vấn đề chủ quyền quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục