EU lo ngại lép vế trong quan hệ với Trung Quốc

Các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi chấm dứt “sự ngây thơ” trong quan hệ với Bắc Kinh và khẳng định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh trong khi thị trường của nước này không đủ độ cởi mở cần thiết.
EU lo ngại lép vế trong quan hệ với Trung Quốc ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: South EU Summit)

Theo hãng tin Reuters, ngày 22/3, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, các nhà lãnh đạo EU đã kêu gọi chấm dứt “sự ngây thơ” trong quan hệ với Bắc Kinh và khẳng định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh trong khi thị trường của nước này không đủ độ cởi mở cần thiết.

EU đã tìm cách tránh can dự vào cuộc chiến thương mại trị giá hàng tỷ USD giữa Washington và Bắc Kinh.

Tuy nhiên, họ ngày càng thất vọng bởi tình trạng bảo hộ và sự can thiệp của Nhà nước Trung Quốc vào nền kinh tế, đồng thời cho rằng tốc độ mở cửa của nền kinh tế có quy mô đứng thứ hai thế giới còn chậm.

EU dự định sẽ nêu các vấn đề trên tại hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc vào ngày 9/4 tới, sau nhiều năm dành cho Trung Quốc quyền tiếp cận gần như không bị hạn chế vào thị trường EU.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một trong số những nhà lãnh đạo của EU lớn tiếng nhất trong việc chỉ trích Bắc Kinh, mới đây đã nói rằng ông nhận thức được sự khác biệt về quan điểm trong khối nhưng việc để các công ty Trung Quốc mua lại hàng loạt cơ sở hạ tầng quan trọng của EU như các cảng biển là một "sai lầm chiến lược."

Trong một cuộc họp báo theo khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Macron cho rằng “thời kỳ ngây thơ” của châu Âu đã hết và mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc trước hết không phải là mối quan hệ thương mại, mà là mối quan hệ địa chính trị và địa chiến lược.

Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nói rằng châu Âu nên coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hơn là một đối tác, quan điểm này trùng với quan điểm của người đồng cấp Áo Sebastian Kurz và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker.

Các nhà lãnh đạo EU đã dự kiến thảo luận về mối quan hệ với Trung Quốc vào ngày 21/3 tại Hội nghị thượng đỉnh EU, song lịch trình đã bị thay đổi vì họ phải dành một ngày dài cho các cuộc đàm phán về cách thức đối phó với Anh trong bối cảnh sự ra đi của nước này vẫn chưa rõ ràng.

Cuộc thảo luận về Trung Quốc đã phải chuyển sang ngày 22/3 nhưng vẫn chưa thể đưa ra được một kết luận chính thức như dự kiến trước đó.

Mục tiêu đưa ra một mặt trận thống nhất về mối quan hệ với Trung Quốc được xem là rất phức tạp khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm tới Italy, nơi chính phủ mang quan điểm hoài nghi châu Âu này đã ký kết một hiệp định đưa nước này tham gia kế hoạch cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" (BRI) khổng lồ của Trung Quốc.

Một số quốc gia khác, chủ yếu là các nước Đông Âu, cũng đã ký kết kế hoạch này.

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết các nhà lãnh đạo EU khác dường như không có vấn đề gì với các kế hoạch tham gia BRI của Rome.

Các quan chức Italy cho biết Rome sẽ tuân thủ các quy tắc của EU, như mua sắm công bằng và tôn trọng môi trường. 

[Pháp nhấn mạnh nguyên tắc cân bằng trong hợp tác EU-Trung Quốc]

Thủ tướng Đức Merkel cho biết theo như Thủ tướng Italy giải thích, hiện tại bà không có gì để chỉ trích, nhưng bà cũng đã trao đổi rằng sẽ tốt hơn nếu họ hành động cùng nhau.

Giống như Washington, Brussels đang đặt câu hỏi tại sao Trung Quốc được coi, theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), là một quốc gia đang phát triển được đối xử đặc biệt, trong khi chính họ đang trên đường trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Một trong những dấu hiệu chỉ ra rằng EU muốn chấm dứt quyền tiếp cận không giới hạn của doanh nghiệp Trung Quốc là việc liên minh này đang thành lập một hệ thống sàng lọc các khoản đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các dự án liên quan đến cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ quan trọng.

Ủy ban châu Âu, nơi điều phối chính sách thương mại của 28 quốc gia thành viên, cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo hỗ trợ kế hoạch hạn chế quyền tiếp cận thị trường công của EU trị giá 2,4 nghìn tỷ euro (khoảng 2,7 nghìn tỷ USD) đối với các công ty đến từ các quốc gia có thị trường mua sắm không cởi mở.

Các quốc gia ủng hộ thương mại tự do như các nước Bắc Âu và Hà Lan cho biết kế hoạch này có thể hạn chế một cách không công bằng về thương mại và tạo ra một khoản phụ thu cho người nộp thuế do việc đóng cửa các nhà cung cấp rẻ hơn.

Các nhà lãnh đạo EU cũng thảo luận về tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc và xem xét việc có nên cho phép đơn vị này được cung cấp thiết bị mạng 5G tốc độ cao tại châu Âu trong tương lai hay không.

Chính phủ Mỹ đã đưa ra cáo buộc rằng các thiết bị của hãng này có thể được sử dụng để do thám phương Tây. 

Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel nhận định EU cần một cơ sở các nguyên tắc để các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tuân theo khi muốn cung cấp 5G tại châu Âu.

Ủy ban châu Âu cho biết họ sẽ đưa ra khuyến nghị về vấn đề mạng 5G sau Hội nghị thượng đỉnh EU./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục