EU không gia hạn các biện pháp khẩn cấp đối phó khủng hoảng năng lượng

Ủy ban châu Âu thông báo sẽ không gia hạn các biện pháp khẩn cấp được áp dụng hồi năm ngoái để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng vọt.
EU không gia hạn các biện pháp khẩn cấp đối phó khủng hoảng năng lượng ảnh 1Trạm trung chuyển khí đốt ở Hajduszoboszlo, Hungary. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 5/6, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ không gia hạn các biện pháp khẩn cấp được áp dụng hồi năm ngoái để bảo vệ người tiêu dùng trước giá năng lượng tăng vọt, đồng thời cho biết những biện pháp này đã giúp hạ nhiệt thị trường năng lượng châu Âu.

Cuối năm 2022, trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí áp giá trần khí đốt là 180 euro (khoảng 193 USD)/MWh sau các cuộc đàm phán kéo dài về việc điều chỉnh giá khí đốt vốn đã tăng lên các mức cao kỷ lục.

Theo cơ chế điều chỉnh này, mức giá trần trên được áp dụng khi giá khí đốt hợp đồng tương lai vượt mức 180 euro/MWh trong 3 ngày liên tiếp trên sàn giao dịch TTF.

Giá TTF - vốn là mức giá chuẩn của châu Âu - cần cao hơn 35 euro/MWh so với giá tham chiếu cho khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dựa trên nhiều đánh giá về giá LNG hiện có trong 3 ngày, để kích hoạt việc áp giá trần.

[Liên minh châu Âu khởi động cuộc đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt]

Cơ chế này cho phép EU vô hiệu hóa mọi giao dịch khí đốt cao hơn mức giá trên, đồng thời giúp ngăn các nhà cung cấp LNG từ bỏ châu Âu để quay sang các khách hàng trả tiền mua khí đốt với giá hấp dẫn hơn.

Trong một tuyên bố, Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ không đề xuất gia hạn cơ chế điều chỉnh giá trần khí đốt nói trên. Theo ủy ban trên, hiện giá điện ở châu Âu đã giảm xuống thấp hơn 80 euro/MWh và ít có khả năng sẽ tăng đột biến trong mùa Đông tới, trong khi giá khí đốt đang ở mức ổn định.

Trước đó, tháng 8/2022, giá khí đốt bán buôn tại thị trường châu Âu đã tăng lên mức cao kỷ lục 350 euro/MWh do nguồn cung từ Nga giảm. Để đối phó, châu Âu đã tăng nhập khẩu LNG và cắt giảm mức tiêu thụ. Bên cạnh đó, mùa Đông “ôn hòa” vừa qua cũng góp phần làm dịu bớt tình hình.

Theo cơ quan Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), mức dự trữ khí đốt tại các quốc gia thành viên EU ở thời điểm cuối tháng Năm vừa qua đạt trên 66% khả năng lưu trữ. Các bể chứa của Đức - quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất châu Âu, đạt tỷ lệ dự trữ lên tới 73%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục