EU không can thiệp vào việc truy nã cựu Thủ hiến Catalonia

EU đã từ chối can thiệp vào việc bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puidgemont, người hiện đang lưu trú tại Bỉ, với lý do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của tòa án.
Cựu Thủ hiến Catalunya bị phế truất Carles Puigdemont (giữa) và các cựu thành viên chính quyền tự trị tại cuộc họp báo ở Brussels (Bỉ) ngày 31/10. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối can thiệp vào việc bắt giữ cựu Thủ hiến Catalonia Carles Puidgemont, người hiện đang lưu trú tại Bỉ, với lý do đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của tòa án.

Phát biểu tại họp báo ngày 3/11, người phát ngôn Ủy ban châu Âu Annika Breidthardt đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với chính quyền Tây Ban Nha trong cuộc khủng hoảng liên quan đến Catalonia, song nhấn mạnh EU sẽ không can thiệp vào việc phát lệnh truy nã đối với cựu Thủ hiến Puidgemont bởi đây hoàn toàn là vấn đề của giới tư pháp.

Ngày 2/11, Thẩm phán Tòa án Tối cao Tây Ban Nha Carmen Lamela đã phát lệnh bắt giữ 8 thành viên của chính quyền bị giải tán ở vùng tự trị Catalonia, trong đó có cựu Phó Thủ hiến Oriol Junqueras.

Tờ La Vanguard đưa tin thẩm phán Lamela cũng đã phát lệnh bắt giữ cựu Thủ hiến Puigdemont, người hiện đang sống lưu vong ở Bỉ, sau khi ông này từ chối trình diện trước tòa.

[Tây Ban Nha phát lệnh bắt các thành viên chính quyền cũ của Catalonia]

Tuy nhiên, người phát ngôn tòa án không xác nhận thông tin này, trong khi một nguồn tin tòa án cho biết thẩm phán sẽ không phát lệnh bắt giữ ông Puigdemont ít nhất là cho đến ngày 3/11.

Trước đó, tòa đã phát lệnh triệu tập tổng cộng 20 thành viên trong chính quyền bị giải tán vùng Catalonia, trong đó có ông Puigdemont, có mặt tại tòa án ở Madrid trong các ngày 2-3/11, khi tòa bắt đầu tiến trình xem xét các cáo buộc nổi loạn, xúi giục nổi loạn và vi phạm luật pháp đối với các nhân vật này.

Tuy nhiên, ông Puigdemont cùng 4 nhân vật khác trong chính quyền này đang lưu vong ở Bỉ đã từ chối về nước theo triệu tập của tòa.

Liên quan vấn đề ngày, ngày 3/11, Chính phủ Đức tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Tây Ban Nha sau khi nước này ra lệnh bắt giữ 8 thành viên của chính quyền bị giải tán ở vùng tự trị Catalonia để điều tra rõ vai trò của họ liên quan việc khu vực tự trị này đơn phương tuyên bố độc lập hồi tuần trước.

Trả lời các phóng viên, người phát ngôn chính phủ Đức Steffen Seibert khẳng định: "Theo quan điểm của chính phủ liên bang, Tây Ban Nha là một nhà nước pháp quyền và Berlin luôn ủng hộ quan điểm rõ ràng của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Điều quan trọng đối với chúng ta hiện nay là duy trì sự thống nhất và trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha."

Cùng ngày, theo hãng tin Sputnik, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố 3 đạo luật bổ sung, được thông qua như một phần của luật trưng cầu dân ý vùng Catalonia, là vi hiến và quyết định bãi bỏ chúng. Đây được xem là bước đi tiếp theo của chính quyền trung ương Madrid đối với cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập của khu vực Catalonia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục