EU khởi động kế hoạch thiết lập thị trường năng lượng chung

EU muốn thiết lập thị trường năng lượng chung để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, và bớt đi khoản chi 400 tỷ euro/năm cho việc nhập khẩu năng lượng để đáp ứng 53% nhu cầu của khối.
Một phần hệ thống đường ống dẫn khí đốt Vojany-Uzhhorod tại Slovakia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) ngày 25/2 đã thông báo kế hoạch thiết lập một thị trường năng lượng chung trên toàn châu lục để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung từ Nga, và bớt đi khoản chi mỗi năm vào khoảng 400 tỷ euro (455 tỷ USD) cho việc nhập khẩu năng lượng để đáp ứng 53% nhu cầu của khối.

Những đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của EU, là kịp thời khi Nga một lần nữa dọa sẽ ngưng chuyển khí đốt tới Ukraine, khiến cho việc cung cấp cho châu Âu lại đứng trước rủi ro.

Phó Chủ tịch EC phụ trách về vấn đề này, ông Maros Sefcovic nói châu Âu hôm nay khởi động một dự án năng lượng tham vọng nhất kể từ khi tiền thân của EU ngày nay là Cộng đồng Than và Thép ra đời năm 1951.

Các kế hoạch về một "liên minh năng lượng" bao gồm việc hoàn thiện một thị trường chung, tăng cường an ninh năng lượng, tăng hiệu quả sử dụng, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và đẩy mạnh nghiên cứu các nguồn năng lượng mới. Tuy nhiên, những nỗ lực nhằm tập trung hóa chính sách năng lượng ở châu Âu có thể gây ra sự bất đồng giữa các nước thành viên muốn bảo vệ quyền quyết định với cơ cấu năng lượng của mình. Chẳng hạn, Đức phụ thuộc lớn vào khí đốt của Nga và đang đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, Ba Lan phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các mỏ than, trong khi nước Anh nghiêng về năng lượng tái tạo và đang đầu tư lớn vào các nhà máy điện hạt nhân mới.

EC đã trực tiếp giải quyết vấn đề này, kêu gọi 28 nước gạt bỏ những khác biệt và tạo ra một thị trường chung để đảm bảo nguồn năng lượng rẻ và thân thiện với môi trường trong tương lai.

Theo báo cáo của EC, việc chuyển đổi về căn bản hệ thống năng lượng của khu vực sẽ cần đầu tư vào tài nguyên và cơ sở hạ tầng hơn 1.000 tỷ euro vào năm 2020. Báo cáo nêu lên thực tế là khoảng 75% số nhà ở ở EU sử dụng năng lượng không hiệu quả, hoạt động vận tải phụ thuộc vào dầu mỏ, với 90% được nhập khẩu, trong khi việc trợ giá tiêu tốn 120 tỷ euro. Thêm vào đó, báo cáo cho biết giá điện ở EU cao hơn 30% so với Mỹ và giá khí đốt cao gấp đôi, khiến khối này đứng trước bất lợi lớn về kinh tế. Báo cáo cho rằng châu Âu cần có những lựa chọn đúng đắn vào lúc này, chớp lấy cơ hội lịch sử khi giá dầu và khí đốt giảm mạnh.

Ngoài ra, EC cũng đưa ra một lý do nữa để phải hành động là tình hình toàn cầu hiện nay, trong đó phải kể đến căng thẳng giữa châu Âu với Nga liên quan đến khủng hoảng tại Ukraine. Theo EC, những thách thức chính trị trong những tháng qua đã cho thấy việc đa dạng hóa các nguồn năng lượng, nguồn cung và các lộ trình vận chuyển sẽ đảm bảo các nguồn năng lượng ổn định.

Nga cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt của EU, với một nửa số này được chuyển qua Ukraine. Mới đây, tập đoàn Gazprom của Nga đã cảnh báo có thể cắt nguồn cung cấp cho Ukraine, đe dọa lặp lại tình cảnh của năm 2006 và 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục