EU khẳng định duy trì hoạt động ngoại giao và viện trợ tại Afghanistan

Afghanistan hiện là nước nhận viện trợ phát triển lớn nhất của EU khi tổng số viện trợ nước này đã nhận từ EU trong gần 20 năm qua là hơn 4 tỷ euro (tương đương gần 5 tỷ USD).
EU khẳng định duy trì hoạt động ngoại giao và viện trợ tại Afghanistan ảnh 1Trẻ em tại trại tị nạn ở Kabul, Afghanistan. (Ảnh: THX/TTXVN)

Liên minh châu Âu (EU) sẽ duy trì các hoạt động ngoại giao và viện trợ ở Afghanistan ngay cả khi các lực lượng quốc tế đã rút khỏi đất nước bị chiến tranh tàn phá này.

Phát biểu với báo giới ngày 17/6, đặc phái viên của EU tại Afghanistan - ông Tomas Niklasson cho biết: "Chúng tôi dự định ở lại ngay cả khi quân đội rút đi. Chính sách của chúng tôi đối với Afghanistan không thay đổi, cam kết của chúng tôi với người dân Afghanistan không thay đổi."

Afghanistan hiện là nước nhận viện trợ phát triển lớn nhất của EU. Tổng số viện trợ nước này đã nhận từ EU trong gần 20 năm qua là hơn 4 tỷ euro (tương đương gần 5 tỷ USD).

Tuy khẳng định rằng EU sẽ duy trì sự hiện diện ngoại giao, phát triển và nhân đạo tại Afghanistan, nhưng ông Niklasson cũng nhấn mạnh rằng điều này sẽ phụ thuộc vào "sự đảm bảo an toàn trong việc tiếp cận các sân bay, bệnh viện và sự bảo vệ đối với nhân viên địa phương và quốc tế" làm việc cho EU.

[LHQ lên án mạnh mẽ các vụ tấn công nhân viên y tế ở Afghanistan]

Mặt khác, ông Niklasson cũng bày tỏ lo ngại rằng sau khi lực lượng quân sự quốc tế đã rút đi, tình hình bạo lực ở Afghanistan không chỉ gia tăng, mà còn có thể làm nảy sinh nhiều vấn đề khác, khiến cuộc xung đột càng trở nên phức tạp hơn.

Hồi tháng trước, Australia đã đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của nước này tại Kabul, do lo ngại về tình hình an ninh sau khi các binh sỹ quốc tế rút quân khỏi Afghanistan.

Sở dĩ có những lo ngại này là do các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Afghanistan và các tay súng Taliban thiếu tiến triển. Bạo lực vẫn tiếp diễn kể từ khi hai bên bắt đầu đối thoại vào tháng Chín năm ngoái.

Đặc phái viên của EU cho rằng Taliban thiếu thiện chí trong đàm phán khi đã không nêu ra bất cứ đề xuất cụ thể nào về đường hướng cho tương lai.

Ông Niklasson chỉ rõ tính cấp thiết của nền hòa bình tại Afghanistan, đồng thời kêu gọi các bên liên quan "cần thúc đẩy chuyển biến từ quá trình đàm phán sang kết quả thực chất"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục