EU kêu gọi thành viên thể hiện vai trò lãnh đạo để đạt được TTIP

EU kêu gọi các nước thành viên thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình trong việc thuyết phục người dân về những lợi ích của Hiệp định TTIP.
Biểu tình phản đối TTIP tại Berlin (Đức). (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Cecilia Malmstroem kêu gọi các nước thành viên thể hiện mạnh mẽ hơn nữa vai trò lãnh đạo của mình trong việc thuyết phục người dân về những lợi ích của Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) đang gây tranh cãi.

Ủy viên Malmstroem cho hay các công dân EU cần tin rằng TTIP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia thành viên nói riêng và toàn châu Âu nói chung.

Do đó, các cuộc đàm phán về hiệp định khổng lồ này sẽ được nối lại vào tháng Bảy tới.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà lãnh đạo EU lại lo lắng về phản ứng của người dân đối với TTIP. Hồi tháng Tư, hàng trăm cuộc biểu tình phản đối TTIP đã diễn ra chủ yếu ở châu Âu.

Đặc biệt, tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, có đến 43% người cho rằng TTIP sẽ là một lựa chọn “tồi” cho đất nước họ.

Đầu tư nước ngoài và quy định về nhập khẩu các sản phẩm biến đổi gen (GMO) là một trong những lý do khiến người dân châu Âu quan ngại về TTIP. Do đó, EU cho rằng cần có một cơ chế để giải quyết những bất đồng này.

Trong khi liên minh mong muốn thiết lập một tòa án đầu tư nhằm xoa dịu lo lắng của người dân về việc ban hội thẩm của TTIP có thể sẽ cho phép các công ty "bỏ qua" phán quyết của tòa án quốc gia nếu họ cảm thấy khoản đầu tư của mình đang bị đe dọa, thì phía Mỹ lại chỉ trích việc Brussels cho phép các nước thành viên ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm GMO.

Ủy viên Malmstroem khẳng định các vấn đề về GMO hay hormone đối với thịt bò sẽ không được đề cập đến trong các cuộc đàm phán, song thỏa thuận TTIP sẽ giúp tăng việc làm, đầu tư vào giao thương cho hai bên.

Ủy viên này cho hay TTIP có thể được ký “dưới thời của Tổng thống Barack Obama” nhưng các cuộc đàm phán sẽ không thể hoàn tất trong năm nay.

TTIP được kỳ vọng sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 60% sản lượng kinh tế toàn cầu, với một thị trường khổng lồ của 850 triệu người tiêu dùng, tạo ra một hành lang thương mại tự do từ Hawaii tới Lithuania./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục