Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 3/12 kêu gọi ký kết một hiệp ước quốc tế về các đại dịch để rút ra bài học từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay và chuẩn bị tốt hơn cho tương lai.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Đại hội đồng Liên hợp quốc về COVID-19, ông Michel cho rằng một hiệp ước quốc tế sẽ tạo điều kiện hợp tác trong nghiên cứu, chia sẻ thông tin và khả năng tiếp cận công bằng với các dịch vụ chăm sóc y tế.
Ông nhấn mạnh: "Dịch bệnh ngày càng nhiều trong những thập kỷ gần đây. Chúng ta đều biết rằng thế giới có thể sẽ chứng kiến một đại dịch khác trong khi vẫn chưa được chuẩn bị. Vì vậy, cần rút ra bài học và lường trước hậu quả của việc này."
Theo ông Michel, một trong số các bài học tích cực trong dịch COVID-19 chính là "sự hợp tác chưa từng có trên quy mô toàn cầu" trong nghiên cứu vắcxin, giúp rút ngắn thời gian bào chế vắcxin xuống còn chưa đầy 1 năm kể từ khi những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, nhanh hơn nhiều so với khung thời gian thường để bào chế vắcxin từ xưa đến nay.
Ông cho rằng một hiệp ước về đại dịch nên nằm trong khuôn khổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với các mục đích như tăng cường hợp tác và tài trợ tốt hơn cho các nghiên cứu.
[WHO: Không đủ vắcxin để ngăn chặn gia tăng ca nhiễm trong ngắn hạn]
Ông nói: "Mục đích của chúng ta phải là đảm bảo khả năng tiếp cận với vắcxin, thuốc điều trị và các biện pháp xét nghiệm khi bùng phát đại dịch trong tương lai. Điều này cần được ghi trong một hiệp ước."
Ông Michel cũng kêu gọi tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm, ở các loài động vật, vốn là đường lây nhiễm dịch bệnh sang con người phổ biến nhất.
Ông cũng cho rằng hiệp ước cần thúc đẩy phát triển "một hệ thống cảnh báo đa cấp phổ rộng hơn" khi đại dịch xuất hiện.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu gợi ý rằng cơ chế Tiếp cận Các công cụ ứng phó COVID-19 (ACT-A), một cơ chế hợp tác toàn cầu nhằm đẩy mạnh phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng với các bộ xét nghiệm, thuốc điều trị và vắcxin ngừa COVID-19, nên được coi là hình mẫu trong phát triển năng lực ứng phó nhanh chóng một cách khoa học và công nghiệp.
Theo các chuyên gia, một hiệp ước chính thức như vậy có thể sẽ vấp phải khó khăn tại Mỹ, nơi văn kiện này sẽ cần có 2/3 Thượng nghị sỹ phê chuẩn mới có hiệu lực. Tổng thống đương nhiệm của đảng Cộng hòa Donald Trump đã từng từ chối tham gia các nỗ lực chia sẻ vắcxin và đã bắt đầu tiến trình rút Mỹ khỏi WHO.
Cũng tại cuộc họp trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ trích một số quốc gia mà không nêu tên vì đã không tuân thủ các hướng dẫn của WHO và coi thường đại dịch.
Tổng Thư ký cho biết ngay từ đầu, WHO đã cung cấp thông tin thực tế và hướng dẫn khoa học, có thể làm cơ sở để phối hợp ứng phó toàn cầu. Nhưng thật không may là rất nhiều trong số các khuyến cáo này không được làm theo và trong một số trường hợp, có nước còn bác bỏ thực tế này và phớt lờ hướng dẫn của WHO.
Ông nhấn mạnh: "Trong khi mỗi nước đi theo đường của mình, virus lại đi theo bất cứ con đường nào."
Ông Guterres kêu gọi đưa vắcxin đến tất cả mọi người, đồng thời hối thúc các nước giàu giúp đỡ các nước đang phát triển trong cuộc chiến chống dịch và phục hồi sau dịch.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết: "Đại dịch đã cho thấy rõ tầm quan trọng của WHO, một thể chế cần được tăng cường."
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất một cơ chế tài trợ, theo đó có một tỷ lệ số liều vắcxin đầu tiên được ưu tiên cho nhóm các nước đang phát triển.
Bộ trưởng Y tế Anh Matthew Hancock kêu gọi các nước dỡ bỏ kiểm soát xuất khẩu và thuế đối với các mặt hàng thiết yếu trong cuộc chiến chống virus như găng tay và máy đo thân nhiệt.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng "để đánh bại đại dịch, các nước cần cùng nhau nỗ lực."
Trong khi đó, Bộ trưởng Nhân lực và Y tế Mỹ Alex Azar nhận định thế giới đang thiếu "sự chia sẻ thông tin cần thiết" và "lỗ hổng này gây hại lớn đối với toàn cầu."
Còn Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Volkan Bozkir thì nhấn mạnh Liên hợp quốc "phải đi đầu" trong nỗ lực phối hợp quốc tế chống dịch./.