EU-IMF nhất trí làm việc nước rút trong đàm phán nợ với Hy Lạp

Lãnh đạo Đức, Pháp cùng các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đã nhất trí làm việc "khẩn trương hết sức" trong những ngày tới để đạt được một thỏa thuận trong đàm phán nợ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (thứ ba, phải), Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (thứ hai, phải) tại cuộc họp thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của Athens. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tối 1/6, tại cuộc họp ở thủ đô Berlin (Đức), lãnh đạo Đức, Pháp cùng các chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đã nhất trí làm việc "khẩn trương hết sức" trong những ngày tới để đạt được một thỏa thuận trong đàm phán nợ đang gặp bế tắc với Athens.

Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi và Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đã bất ngờ nhóm họp tại Berlin sau khi Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras chỉ trích nhóm các chủ nợ quốc tế đưa ra những yêu cầu cải cách "vô lý," gây cản trở trong cuộc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của quốc gia thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang đứng trên bờ vực phá sản này.

Trong lúc này, một quan chức EU xoa dịu rằng không một đề xuất nào các chủ nợ đưa ra với Athens mang tính chất "tối hậu thư". Cũng trong tối 1/6, Hy Lạp đã chuyển cho các chủ nợ gói đề xuất cải cách tổng thể nhằm đưa Athens thoát khỏi khủng hoảng.

Các cuộc đàm phán giữa Chính phủ Hy Lạp với bộ ba chủ nợ gồm IMF, Liên minh châu Âu (EU) và ECB nhằm giải ngân khoản cuối cùng 7,2 tỷ euro trong gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro đã rơi vào bế tắc do hai bên không thể giải quyết bất đồng liên quan đến các biện pháp "thắt lưng buộc bụng."

Bất chấp thời hạn chót 5/6 đang đến rất gần, Hy Lạp vẫn phản đối những biện pháp cải cách mạnh tay mà các chủ nợ yêu cầu, trong khi đó, lịch thanh toán nợ dày đặc lên tới 1,6 tỷ euro trong tháng Sáu đang khiến việc giải ngân số tiền này trở thành nhu cầu cấp bách.

Đổ vỡ trong đàm phán đồng nghĩa với việc Hy Lạp không tránh khỏi phá sản, dẫn đến việc ra khỏi Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục