EU hy vọng Tòa án Hiến pháp Đức ủng hộ gói cứu trợ COVID-19

EU bày tỏ hy vọng rằng quyết định gây sốc của Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu ngừng phê chuẩn gói cứu trợ đại dịch viêm đường hô hấp cấp trị giá 750 tỷ euro sẽ không làm trì hoãn kế hoạch phê chuẩn.
EU hy vọng Tòa án Hiến pháp Đức ủng hộ gói cứu trợ COVID-19 ảnh 1Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu tại phiên họp Quốc hội ở Berlin. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 29/3, Liên minh châu Âu (EU) bày tỏ hy vọng rằng quyết định gây sốc của Tòa án Hiến pháp Đức yêu cầu ngừng phê chuẩn gói cứu trợ đại dịch viêm đường hô hấp cấp trị giá 750 tỷ euro (885 tỷ USD) sẽ không làm trì hoãn kế hoạch phê chuẩn.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan để xuất gói cứu trợ trên, EC ủng hộ kế hoạch cứu trợ chưa từng có trong lịch sử này, khẳng định tính pháp lý của kế hoạch này đã được thực hiện theo trình tự. Phát biểu trước báo giới, một phát ngôn viên của Liên minh châu Âu cho biết EC tin tưởng rằng tòa án sẽ thay đổi quyết định.

Trước đó, gói cứu trợ COVID-19 đã được lưỡng viện tại Đức thông qua và Tổng thống Frank-Walter Steinmeier dự kiến sẽ ký phê chuẩn gói cứu trợ hoàn tất tiến trình phê chuẩn chính thức vào ngày 2/4 tới. Tuy nhiên 5 thành viên đã đệ đơn yêu cầu tòa án ra quyết định rằng việc phê chuẩn "sẽ không được thực hiện trong khi chờ quyết định của Tòa án Hiến pháp Liên bang liên quan đến khiếu nại này.”

Sự phê chuẩn của các quốc gia thành viên sẽ mang lại cho Brussels quyền lực mới - gọi là "nguồn lực riêng" - để gây quỹ để trả nợ mà không liên quan gì đến các chính phủ quốc gia của Liên minh châu Âu. Cho đến nay, mới chỉ có 16 trong tổng số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu phê chuẩn kế hoạch cứu trợ trên.

[Châu Âu loay hoay với việc thống nhất "hộ chiếu vaccine"]

Người phát ngôn Liên minh châu Âu cho biết mục tiêu của Liên minh châu Âu là hoàn thành quá trình phê duyệt "vào cuối quý hai năm nay " để các khoản thanh toán đầu tiên từ quỹ có thể bắt đầu.

Năm ngoái, cùng với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã đề xuất gói cứu trợ COVID-19 và đến tháng 12/2020, toàn bộ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã nhất trí kế hoạch này, coi đây như một phần trong ngân sách trị giá 1,8 nghìn tỷ euro cho đến năm 2027, với mục đích cung cấp các khoản vay và viện trợ không hoàn lại cho các nước EU bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục