Theo phóng viên TTXVN lại London, ngày 26/10, tạp chí The Guardian của Anh đưa tin Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định hủy bỏ dự kiến quy định hạn mức hợp chất acrylamide có trong thực phẩm.
Đây là một vấn đề gây tranh cãi trong vài năm trở lại đây giữa các nhà quản lý an toàn thực phẩm châu Âu với các nhà sản xuất thực phẩm về mức độ hóa chất acrylamide trong thực phẩm gây tác hại sức khỏe cho người tiêu dùng.
Năm ngoái, Cơ quan An toàn Thực phẩm châu Âu (Efsa) đã phát hiện hợp chất acrylamide có khả năng làm tăng nguy cơ phát triển ung thư đối với người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi và đưa ra khuyến cáo hợp chất này cần được hạn chế ở mức thấp nhất có thể, tuy nhiên việc đưa ra hạn mức quy định cụ thể là bao nhiêu thì chưa được quyết định.
Việc giảm liều lượng acrylamide có thể thay thế bằng các thành phần phụ gia khác hoặc thay đổi cách bảo quản và nhiệt độ khi nấu.
Tuy nhiên, điều này có thể ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp thực phẩm, giá thành và hương vị.
Tính đến nay có khoảng 150.000 người đã ký đơn kiến nghị yêu cầu EU đưa ra quy định bắt buộc đối với liều lượng chất acrylamide trong thực phẩm, và chiến dịch trên mạng xã hội về vấn đề này vẫn đang tiếp tục diễn ra.
Acrylamide là hợp chất được tạo ra một cách tự nhiên khi thức ăn giàu carbonhydrate và tinh bột được chiên, rán, nướng ở nhiệt độ cao (từ 170-180 độ C).
Năm 2013, Ủy ban Các tiêu chuẩn thực phẩm của Anh (FSA) từng phát hiện mức acrylamide tăng cao trong các thực phẩm chiên, bim bim khoai tây, khoai tây chiên, bánh quy gừng và bột ngũ cốc ăn sáng.
Tại Mỹ, Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA) đã có quy định áp dụng cho các loại nước uống chứa acrylamide./.