EU huy động "sức công phá" của các biện pháp tài chính

Các bộ trưởng tài chính EU đã ký phê chuẩn một loạt đề xuất của EC nhằm phối hợp nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, trong đó có đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến việc bội chi.
EU huy động "sức công phá" của các biện pháp tài chính ảnh 1Một nhà hàng tại Paris, Pháp, đóng cửa ngày 15/3/2020 trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 16/3, bộ trưởng tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) cam kết chung tay chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang hủy hoại các nền kinh tế trong khu vực.

Tại cuộc họp trực tuyến, các bộ trưởng tài chính EU đã ký phê chuẩn một loạt đề xuất của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm phối hợp nỗ lực trong thời kỳ dịch bệnh hiện nay, trong đó có đề xuất bãi bỏ các quy định liên quan đến việc các nước thành viên bội chi.

Những đề xuất này sẽ đi kèm với biện pháp kích thích kinh tế của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Phát biểu tại cuộc họp, người đứng đầu nhóm Eurogroup kiêm Bộ trưởng Tài chính Bồ Đào Nha Mario Centeno khẳng định EU sẽ đảm bảo các quy định tài chính của liên minh hay các quy định cứu trợ các nước thành viên sẽ có sự linh hoạt khi thực thi.

[Nhóm Eurogroup: Kinh tế châu Âu đang trải qua thời kỳ như chiến tranh]

Tuy nhiên, các bộ trưởng EU nhất trí tạm thời chưa huy động Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), quỹ cứu trợ thường trực của các nước Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 410 tỷ euro.

Ông Centeno giải thích rằng ESM được thành lập giữa lúc xảy ra một cuộc khủng hoảng "rất khác" với dịch COVID-19, cụ thể là cuộc khủng hoảng nợ ở Eurozone năm 2012.

Tuy nhiên, ông lên tiếng trấn an rằng EU sẽ làm mọi điều cần thiết để khôi phục niềm tin và phục hồi nền kinh tế khu vực, cũng như bảo vệ đồng euro.

Trong tuyên bố chung, các bộ trưởng tài chính EU cho biết chính phủ các nước khu vực hiện đã bơm vào nền kinh tế số tiền tương đương 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm của châu Âu, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục chi tiêu nhiều hơn. 

Nếu được triển khai, quỹ cứu trợ ESM có thể bơm khoảng 3,4% tổng GDP của Eurozone vào nền kinh tế khu vực.

Trước tình trạng dịch COVID-19 đã làm đình trệ tất cả hoạt động kinh tế, EC mới đây dự đoán EU và Eurozone sẽ có thể rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2020 cho dù tháng Hai vừa qua đã dự báo kinh tế Eurozone có thể tăng trưởng 1,2% trong hai năm 2020 và 2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục