EU hướng tới mức thuế toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia

Ủy viên kinh tế châu Âu, Paolo Gentiloni, cho biết chỉ thị mà EC đưa ra sẽ đảm bảo mức thuế tối thiểu có hiệu lực mới là 15% với các công ty đa quốc gia, áp dụng tương thích với luật của EU.
EU hướng tới mức thuế toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia ảnh 1Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni. (Ảnh: Europa EU)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, mức thuế 15% sẽ được áp dụng cho các công ty đa quốc gia ở Liên minh châu Âu (EU), theo chỉ thị do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất hôm 22/12.

Hồi tháng 10/2021, mức thuế 15% đã được 137 quốc gia đồng ý, theo thỏa thuận của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) và Khung bao trùm G20. Mục tiêu là giải quyết những thách thức về thuế của nền kinh tế kỹ thuật số.

Ủy viên kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni, cho biết chỉ thị mà EC đưa ra sẽ đảm bảo mức thuế tối thiểu có hiệu lực mới là 15% đối với các công ty lớn sẽ được áp dụng theo cách hoàn toàn tương thích với luật của EU.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch điều hành EC, Valdis Dombrovskis nhấn mạnh điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm cần tăng cường tài chính công để tăng trưởng và đầu tư bền vững công bằng, đáp ứng nhu cầu tài chính công, đối phó với đại dịch và thúc đẩy chuyển đổi sinh thái và kỹ thuật số.

[EU đề xuất kéo dài thời gian tạm dừng áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ]

Bất kỳ tập đoàn lớn nào, trong nước hoặc quốc tế, với tổng doanh thu tài chính trên 750 triệu euro mỗi năm và có công ty mẹ hoặc công ty con đặt tại một quốc gia thành viên EU, sẽ phải tuân theo quy tắc được đề xuất.

Nếu thuế suất có hiệu lực của một tập đoàn lớn ở một quốc gia thành viên EU giảm xuống dưới 15% thì tập đoàn đó sẽ phải chịu mức thuế bổ sung 15%.

Bên cạnh đó, chỉ thị cũng bao gồm "Quy tắc thanh toán dưới thuế," một điều khoản trong trường hợp công ty mẹ đặt trụ sở tại một quốc gia không thuộc EU có mức thuế thấp không áp dụng các quy tắc tương đương.

Để giảm tác động đến các nhóm thực hiện các hoạt động kinh tế thực tế, các công ty sẽ có thể loại trừ một khoản thu nhập bằng 5% giá trị tài sản hữu hình và 5% tiền lương.

Để chỉ thị có hiệu lực, cần sự nhất trí thông qua của các nước thành viên EU. Nghị viện châu Âu và Ủy ban kinh tế và xã hội châu Âu cũng sẽ được tham vấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục