Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề mở rộng Liên minh châu Âu (EU), ông Johannes Hahn, trong cuộc trả lời phỏng vấn nhật báo tiếng Đức của Thụy Sĩ "Neue Zürcher Zeitung" (NZZ) số ra ngày 22/9, cho rằng đã đến lúc kết thúc thảo luận về thỏa thuận khung thể chế giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ vì "mọi thứ đều ở trên bàn cả rồi."
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, Ủy viên Johannes Hahn tái khẳng định rằng nếu không có thỏa thuận khung thể chế giữa EU và Thụy Sĩ, thì trong tương lai sẽ không có thỏa thuận mới nào giữa hai bên.
Điều này dẫn tới việc Thụy Sĩ sẽ không thể tiếp cận thị trường chứng khoán châu Âu sau năm 2018.
Ông Johannes Hahn cũng cho biết từ nay đến cuối tháng 10 là hạn chót muộn nhất để EU và Thụy Sĩ xem xét cách thức có thể định hình mối quan hệ song phương vào năm 2019, một năm được coi là quan trọng đối với các cuộc bầu cử ở châu Âu.
Từ năm 2014, EU luôn bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng việc hai bên không đạt thỏa thuận khung đồng nghĩa với việc sẽ không có một thỏa thuận mới nào được ký kết.
Ông Hahn cũng giải thích chính vì quan điểm nêu trên, EU chỉ công nhận việc Thụy Sĩ được tiếp cận thị trường chứng khoán của khối liên minh này đến cuối năm 2018, và theo ông, nhiều khả năng EU sẽ gia hạn chính sách trên cho Thụy Sĩ thêm một năm nữa.
Bên cạnh đó, ông Johannes Hahn còn đề cập các vấn đề khác, như thỏa thuận về điện, cũng vẫn chỉ dừng ở bước trao đổi thông tin giữa hai bên.
Ủy viên châu Âu cho rằng hai bên không thể tiếp tục đàm phán bởi việc này không mang lại ích lợi cho bất cứ ai. Và theo thời gian, quan hệ song phương hiện nay có thể tiếp tục mất đi tầm quan trọng của nó.
Trước đó, ngày 21/9, Hội đồng Liên bang Thụy Sĩ (Chính phủ) đã có cuộc thảo luận mới về cách thức thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận thể chế với EU. Chính phủ Thụy Sĩ sẽ phải đưa ra quyết định vào ngày 28/9 tới.
Thụy Sĩ và EU dự kiến đi đến một thỏa thuận về khung thể chế nhằm vạch ra tương lai cho mối quan hệ song phương vào cuối năm 2018.
Một số lĩnh vực mà Thụy Sĩ muốn duy trì trong khuôn khổ quan hệ về thể chế với EU là: tự do đi lại, các sản phẩm nông nghiệp xuyên biên giới, hàng không dân dụng.
Bên cạnh đó, Thụy Sĩ muốn bảo vệ các quy định nghiêm ngặt của nước này về mức lương tối thiểu và các điều kiện làm việc, hạn chế ảnh hưởng trong thị trường lao động...
Trong khi đó, EU muốn Thụy Sĩ hội nhập hơn nữa vào thị trường chung của liên minh này, đồng thời chịu sự điều chỉnh luật pháp và các quy định của EU./.