Theo kế hoạch, trong ngày 29/1 theo giờ London, Hạ viện Anh sẽ thảo luận và bỏ phiếu về các bước đi tiếp theo của Thủ tướng Theresa May sau khi các nghị sỹ bác bỏ thỏa thuận Brexit của bà trong cuộc họp hồi đầu tháng.
Trước thềm cuộc bỏ phiếu trên, Liên minh châu Âu (EU) đã gửi một thông điệp tới Thủ tướng May, trong đó nêu rõ nước Anh "cần quyết định điều mà họ thực sự muốn," và sẽ không đàm phán lại về thỏa thuận Brexit đã đạt được.
Phát biểu tại một hội thảo ở Brussels, do Trung tâm Chính sách châu Âu (EPC) tổ chức, Phó Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, bà Sabine Weyand nhận định "khó có thể tưởng tượng" nước Anh sẽ tạo ra một đa số ủng hộ thỏa thuận như thế nào trong bối cảnh sự phức tạp hiện nay trong phe phản đối.
[Hy vọng nào cho thỏa thuận Brexit "kế hoạch B"?]
Tuy nhiên, bà Weyand cũng nhắc lại lời Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier rằng Anh có thể giải quyết một số vấn đề liên quan thỏa thuận "rào chắn" bằng cách thay đổi một số đề nghị của mình về thương mại thời hậu Brexit. Bà cho biết EU "để ngỏ các thỏa thuận thay thế" về vấn đề biên giới với Ireland.
Theo bà Weyand, việc Anh tiếp tục ở trong một liên minh thuế quan, thậm chí ở trong thị trường duy nhất của EU, cũng có thể giúp đạt một thỏa thuận cuối cùng. Bà nhấn mạnh: "Việc phê chuẩn thỏa thuận Anh - EU sẽ giúp tạo lòng tin cần thiết để xây dựng mối quan hệ mới."
Cuộc họp trong ngày hôm nay ở Hạ viện Anh sẽ là cơ hội để các bên tìm xem có thể đưa ra những thay đổi gì đối với chiến lược của bà May để nhận được sự ủng hộ của Quốc hội, sau đó bà May có thể đem thỏa thuận sửa đổi này đến Brussels đàm phán lại trước khi đưa trở lại thông qua tại Quốc hội.
Đến nay đã có 14 đề xuất sửa đổi được trình. Trong số đó, có thể kể đến đề xuất chuyển quyền kiểm soát vấn đề Brexit từ Chính phủ của bà May sang Quốc hội; hay đề xuất lập một ủy ban gồm 17 nghị sỹ thuộc tất cả các đảng và trao cho ủy ban này quyền kiểm soát tiến trình Brexit; và một đề xuất các nghị sỹ có thể tiến hành thảo luận về Brexit mỗi tuần từ nay đến thời điểm Brexit (29/3).
Trong một đề xuất khác, các nghị sỹ muốn thay thế thỏa thuận của bà May theo hướng tìm kiếm quan hệ gần gũi hơn với EU hoặc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân mới về Brexit. Một số nghị sỹ cũng muốn xóa điều khoản "rào chắn" trong thỏa thuận Brexit và thay thế bằng các thỏa thuận nhằm tránh một đường biên giới cứng ở Ireland. Cũng có đề xuất cho rằng điều khoản này không được kéo dài hơn sáu tháng, hoặc thỏa thuận Brexit phải trao cho Anh quyền đơn phương chấm dứt điều khoản này.
Ngoài ra, các nghị sỹ cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc các lựa chọn thay thế nhằm tránh xảy ra Brexit không đạt thỏa thuận, trong đó có khả năng tìm kiếm một liên minh thuế quan vĩnh viễn với EU và tổ chức trưng cầu ý dân lần thứ hai. Một số nghị sỹ cũng kêu gọi chính phủ đề xuất với EU kéo dài hạn chót quy định trong Điều 50 (về "ly hôn") của Hiệp ước Lisbon nếu không thể đạt thỏa thuận trước ngày 26/2.
Chủ tịch Quốc hội John Bercow sẽ quyết định các đề xuất được thảo luận và bỏ phiếu trong cuộc họp hôm nay. Từng đề xuất sẽ được đưa ra bỏ phiếu riêng từ 19 giờ cùng ngày giờ địa phương (tức 2 giờ ngày 30/1 theo giờ Hà Nội). Mỗi cuộc bỏ phiếu sẽ kéo dài 15 phút và kết quả sẽ được thông báo ngay tại Hạ viện. Sau khi bỏ phiếu về các đề xuất sửa đổi được hoàn tất, một cuộc bỏ phiếu cuối cùng sẽ được tổ chức.
Trong một diễn biến khác, hãng Sky News dẫn các nguồn thạo tin cho biết Thủ tướng May đã thông báo với các nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ về kế hoạch tổ chức một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội về thỏa thuận Brexit vào ngày 13/2 tới./.