Ngày 17/8, Tây Ban Nha đã nhận được khoản tiền giải ngân đầu tiên trị giá 9 tỷ euro (gần 11 tỷ USD) từ quỹ phục hồi của Liên minh châu Âu (EU).
Theo quy định, Tây Ban Nha sẽ nhận được tổng cộng 69,5 tỷ euro từ quỹ này trong những năm tới. Các khoản giải ngân gắn liền với việc thực thi các dự án đầu tư và các biện pháp cải cách mà nước này đã đệ trình lên Ủy ban châu Âu.
Cùng ngày, Litva cũng nhận được khoản tiền đầu tiên từ quỹ phục hồi của EU là 289 triệu euro, trong tổng số hơn 2 tỷ euro mà nước này sẽ được nhận.
Trước đó, ngày 28/6 vừa qua, EU đã chi khoản tiền mặt đầu tiên từ quỹ phục hồi COVID-19 dưới hình thức trợ cấp để tạo việc làm và hỗ trợ các doanh nghiệp ở các nền kinh tế bị đại dịch tàn phá.
Tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12/2020, EU đã đạt được đồng thuận lịch sử là gộp nợ chung - được chia sẻ giữa các thành viên EU nhằm giảm chi phí đi vay cho các thành viên yếu hơn, để tài trợ cho gói phục hồi trị giá 750 tỷ euro.
[EU thông qua kế hoạch phục hồi kinh tế của nhiều nước thành viên]
Tuy nhiên, theo Ủy ban châu Âu (EC), đây là tỷ giá của năm 2018 và ước tính theo tỷ giá năm nay, quỹ trên lên đến gần 807 tỷ euro. Hiện 25/27 quốc gia thành viên EU đã đệ trình kế hoạch chi tiêu, trong đó 16 kế hoạch đã được phê duyệt.
Bulgaria và Hà Lan là hai quốc gia chưa đệ trình kế hoạch chi tiêu và hạn chót nộp kế hoạch này là giữa năm sau.
Theo người phát ngôn EC Arianna Podesta, thứ tự các quốc gia nhận được khoản giải ngân trong gói phục hồi trên sẽ phụ thuộc vào việc chính phủ các nước thông qua thỏa thuận nhanh hay chậm.
Trong gói hỗ trợ này, 500 tỷ euro sẽ được chi dưới dạng tài trợ cho các nước và 250 tỷ euro dưới dạng các khoản tín dụng. Trong 500 tỷ euro tài trợ, 310 tỷ euro sẽ được đầu tư vào các hoạt động chuyển đổi kinh tế số và kinh tế xanh.
Quỹ phục hồi kinh tế hậu COVID-19 là một phần trong gói ngân sách dài hạn đến năm 2027 của EU với tổng trị giá 1.800 tỷ euro (tương đương 2.190 tỷ USD) nhằm giải quyết những hậu quả về kinh tế và xã hội sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát./.