Đây là quyết định cuối cùng và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2010.
Việc áp thuế lần này chủ yếu nhằm vào các sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển của ngành giày da Việt Nam (giày da trung, cao cấp) để có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước khác.
Quyết định kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá của EU đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp giày da Việt Nam, đặc biệt tác động đến đời sống của hơn 650.000 lao động trong ngành này.
Theo thông tin ban đầu, có 10 nước bỏ phiếu ủng hộ việc áp thuế lần này gồm Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ba Lan, Bulgaria, Romania, Hungary, Hy Lạp và Slovenia.
Những nước bỏ phiếu trắng, cũng sẽ được tính như ủng hộ, bao gồm 4 nước là Đức, Áo, Malta và Latvia.
Mười ba nước bỏ phiếu chống là Anh, Ireland, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Cộng hòa Séc, Slovakia, Litva và Estonia.
Những loại thuế chống bán phá giá giày dép đã tạo ra một sự chia rẽ mạnh mẽ trong lòng EU kể từ khi nó được áp dụng để "hạn chế các sản phẩm giày dép giá rẻ từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm lĩnh thêm thị phần của các nhà sản xuất nhỏ ở châu Âu".
Mức thuế mà EC áp đặt với giày dép từ Trung Quốc là 16,5% và Việt Nam là 10%. Nhiều quốc gia thành viên EU đã mô tả loại thuế này là "theo chủ nghĩa bảo hộ".
Nhiều nhà bán lẻ giày dép lớn khác như Clarks, Adidas và Puma cũng đã phản đối các biện pháp này của EC. Theo số liệu của EC, hiện sản phẩm giày da của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 30% thị trường giày của EU./.
Thúy Viên/Brussels (Vietnam+)