EU đổi ý, cho phép Microsoft mua Activision trong thương vụ khổng lồ

EU sẽ phê duyệt thỏa thuận mua Activision sau khi Microsoft nhượng bộ để đảm bảo rằng các công ty đối thủ sẽ tiếp tục truy cập vào các tựa game do Activision phát triển, chẳng hạn như Call of Duty.
EU đổi ý, cho phép Microsoft mua Activision trong thương vụ khổng lồ ảnh 1EU chấp thuận thỏa thuận Microsoft mua Activision Blizzard. (Ảnh: Reuters)

Thỏa thuận cho phép công ty Microsoft mua lại Activision Blizzard, trong thương vụ khổng lồ trị giá tới 68,7 tỷ USD, vừa được các cơ quan quản lý của Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt hôm 15/5. Động thái diễn ra chỉ vài tuần sau khi các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh ngăn chặn vụ sáp nhập này.

Ủy ban Châu Âu (EC) kết luận rằng thỏa thuận có thể được thông qua, nhờ các cam kết từ Microsoft liên quan đến hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử trên nền tảng đám mây. EU nhận thấy rằng Microsoft "sẽ không thu được lợi ích gì nếu từ chối phân phối các trò chơi của Activision cho (đối thủ) Sony" và kể cả khi "Microsoft quyết định rút hết các trò chơi của Activision khỏi nền tảng PlayStation (của Sony), điều này cũng không gây tổn hại đáng kể đến sự cạnh tranh trên thị trường máy chơi game."

Nhưng giống Vương quốc Anh, các cơ quan quản lý của EU, vẫn cho rằng thương vụ mua lại có thể gây hại tới sự cạnh tranh xung quanh hoạt động phân phối trò chơi điện tử (game) dành cho máy tính cá nhân (PC) và máy chơi game chuyên dụng (console) thông qua các dịch vụ đám mây.

Vì thế, Ủy ban Châu Âu đã xác định một số biện pháp khắc phục để thương vụ có thể được triển khai: thông qua những thỏa thuận cấp phép kéo dài 10 năm mà Microsoft phải cung cấp cho các đối thủ cạnh tranh.

Chúng bao gồm một giấy phép đặc biệt, sẽ giúp cho người tiêu dùng ở các quốc gia EU được chơi trực tuyến các game của Activision Blizzard qua “bất kỳ dịch vụ chơi game dựa trên đám mây (cloud gaming) nào mà họ lựa chọn, kể cả ở hiện tại lẫn trong tương lai". Giấy phép này được cấp tự động, nghĩa là người tiêu dùng sẽ có quyền chơi trực tuyến các trò chơi của Activision Blizzard mà họ đã mua, hoặc đăng ký sử dụng dịch vụ trên các nền cloud gaming mà họ lựa chọn.

[Anh ngăn chặn Microsoft thâu tóm Activision Blizzard]

Bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành phụ trách chính sách cạnh tranh tại EU cho biết: “Quyết định của chúng tôi thể hiện một bước quan trọng, bằng cách đưa các trò chơi ăn khách của Activision đến với nhiều thiết bị và người tiêu dùng hơn trước, nhờ phát hành trực tuyến qua nền tảng đám mây. Các cam kết do Microsoft đưa ra sẽ lần đầu tiên cho phép phát hành trực tuyến những trò chơi như vậy trong bất kỳ dịch vụ cloud gaming nào, qua đó nâng cao tính cạnh tranh và cơ hội phát triển.”

Quyết định phê duyệt thỏa thuận sáp nhập khổng lồ được EU đưa ra chưa đầy một tháng sau khi các cơ quan quản lý của Vương quốc Anh lựa chọn việc ngăn chặn. Cơ quan cạnh tranh và thị trường (CMA) của Vương quốc Anh viện lý do thương vụ làm “giảm sự đổi mới và mang tới ít sự lựa chọn hơn cho các game thủ ở Vương quốc Anh trong những năm tới”. Microsoft hiện vẫn đang kiên trì kháng cáo quyết định này.

Vài tháng qua, Microsoft đã cố gắng giải quyết những lo ngại của các cơ quan quản lý về dịch vụ chơi game qua đám mây, thông qua việc ký kết nhiều thỏa thuận quan trọng. Cụ thể, Microsoft đã ký thỏa thuận với Boosteroid, Ubitus và Nvidia để cho phép các trò chơi Xbox được chạy trên những dịch vụ cloud gaming của các công ty này. Công ty cũng ký một thỏa thuận tương tự với Nintendo vào tháng 12 năm ngoái.

Tất cả các thỏa thuận, có hiệu lực dài 10 năm, cho phép các công ty nêu trên được quyền tiếp tục sử dụng game ăn khách Call of Duty và các trò chơi khác của Activision Blizzard trên dịch vụ cloud gaming của họ, trong tình huống thỏa thuận sáp nhập giữa Microsoft và Activision Blizzard được thông qua.

Tuy nhiên động thái của Microsoft vẫn không thuyết phục được CMA. Cơ quan quản lý Anh lo ngại rằng việc Microsoft kiểm soát các tựa game ăn khách của Activision Blizzard như Call of Duty, Overwatch và World of Warcraft sẽ mang lại lợi thế lớn cho họ so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường cloud gaming. Hiện Microsoft được CMA đánh giá đang nắm từ 60 tới 70% thị phần cloud gaming toàn cầu.

Việc kháng cáo quyết định của CMA có thể sẽ phải mất vài tháng mới hoàn tất. Vì thế quyết định của EU có thể giúp tăng cơ hội để Microsoft đảo ngược quyết định của CMA và đạt được thỏa thuận sáp nhập khổng lồ này.

Nhưng ngay cả khi đã "chiến thắng" ở thị trường châu Âu, công ty vẫn phải đối mặt với các cuộc chiến pháp lý khác ở Mỹ. Được biết, hiện nay các cơ quan quản lý ở Arab Saudi, Brazil, Chile, Serbia, Nhật Bản và Nam Phi đã phê duyệt thỏa thuận mua lại của Microsoft. Trong khi đó, Trung Quốc, Hàn Quốc, New Zealand và Australia vẫn đang trong quá trình xem xét thỏa thuận./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục