EU điều tra chống trợ cấp liên quan một tập đoàn viễn thông lớn của UAE

Tập đoàn Etisalat and, có cổ đông lớn là Chính phủ UAE, đã ký thỏa thuận trị giá 2,3 tỷ USD để mua lại các tài sản thuộc tập đoàn viễn thông PPF của Séc tại Bulgaria, Hungary, Serbia và Slovakia.

(Nguồn: gcc business news)
(Nguồn: gcc business news)

Ngày 10/6, Liên minh châu Âu (EU) thông báo mở cuộc điều tra chính thức về việc chống trợ cấp nhằm vào một công ty viễn thông của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Đây là hành động đầu tiên theo các quy định mới nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài đấu thầu mua lại tài sản của EU.

Tập đoàn viễn thông Etisalat and (e&), có cổ đông lớn là Chính phủ UAE, đã ký thỏa thuận trị giá 2,15 tỷ euro (2,3 tỷ USD) vào tháng 8/2023 để mua lại các tài sản thuộc tập đoàn viễn thông PPF của Cộng hòa Séc tại Bulgaria, Hungary, Serbia và Slovakia.

Ủy ban châu Âu (EC) nêu rõ theo kết quả cuộc điều tra sơ bộ, có đủ dấu hiệu cho thấy tập đoàn Etisalat and đã nhận được trợ cấp từ nước ngoài làm bóp méo thị trường nội khối EU.

Đáng chú ý, các khoản trợ cấp bị cáo buộc này "núp bóng" hình thức bảo đảm không giới hạn từ UAE và một khoản vay từ các ngân hàng do UAE kiểm soát trực tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch.

EC cho biết ủy ban này sẽ xem xét liệu các khoản trợ cấp có dẫn đến tác động tiêu cực thực tế hoặc tiềm ẩn đối với quá trình đấu thầu hoặc thị trường nội khối của EU hay không. Nói cách khác, EC sẽ đánh giá cụ thể liệu các khoản trợ cấp có cho phép tập đoàn Etisalat and ngăn cản hoặc trả giá cao hơn các bên khác quan tâm đến quá trình đấu thầu hay không.

Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU Margrethe Vestager xác nhận EC mở cuộc điều tra chuyên sâu đầu tiên nói trên căn cứ theo Quy định Trợ cấp nước ngoài (FSR).

Bà nhấn mạnh rằng quy định mới này cho phép EC xử phạt đối với các hành vi hỗ trợ bất hợp pháp từ các quốc gia thứ ba đối với việc mua lại các doanh nghiệp tại EU.

EC có thời hạn đến ngày 15/10 năm nay để đưa ra kết luận điều tra này.

Quy định Trợ cấp nước ngoài (FSR) có hiệu lực vào năm ngoái và quy định này tìm cách ngăn chặn trợ cấp nước ngoài gây suy yếu khả năng cạnh tranh công bằng ở EU.

Thời gian gần đây, EC đã tăng cường sức mạnh pháp lý của ủy ban này thông qua các quy định mới, buộc các công ty thuộc một số nước phải rút khỏi một số dự án nhất định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục