EU đề xuất ngân sách 1.000 tỷ euro giai đoạn mới

EC và EU đề xuất một ngân sách trị giá 1.025 tỷ euro trong giai đoạn từ 2014 đến 2020, tăng 5% so với ngân sách của giai đoạn trước.
Ngày 29/6, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), đã đề xuất một ngân sách trị giá 1.025 tỷ euro (1.480 tỷ USD) trong giai đoạn từ 2014 đến 2020, tăng 5% so với ngân sách của giai đoạn trước.

Theo đề xuất trên, EC đề nghị tăng 1% thuế mua hàng và đánh thuế các giao dịch tài chính, coi đó là một phần trong kế hoạch tăng ngân sách trong bảy năm (2014-2020) lên gần 1.000 tỷ euro.

Đề xuất của EC quy định trích trực tiếp một phần thuế giá trị gia tăng VAT (từ một đến hai điểm) được thu từ tất cả các nước thành viên và chuyển trực tiếp vào ngân sách của EU. Đổi lại, những đóng góp của các quốc gia thành viên sẽ giảm đi. Bằng cách này, EC dự kiến có khoản thu ngân sách lớn hơn so với hiện tại.

Ngoài ra, EC cũng hy vọng khoản tiền thu được từ thuế giao dịch tài chính cũng mang lại cho ngân sách EU khoảng 30 tỷ euro/năm.

Với đề xuất ngân sách mới, khoản tiền lớn nhất trị giá khoảng 376 tỷ euro sẽ được dành để thúc đẩy những khu vực kém phát triển của EU, trong khi khoảng 372 tỷ euro sẽ được dành để hỗ trợ nông dân EU.

Đề xuất ngân sách này của EC đã vấp phải sự phản đối của một số quốc gia thành viên do các nước này gặp khó khăn về tài chính và buộc phải thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” để đổi lấy các gói cứu trợ khẩn cấp.

Nhiều năm qua, EU đã chịu nhiều sức ép, đặc biệt từ các nước thành viên giàu có như Đức và Anh, phải hạn chế chi tiêu khi chính phủ các nước thành viên đang chật vật để kiểm soát ngân sách của mình.

Ngay sau khi EC đưa ra đề xuất ngân sách, Anh đã lập tức phản đối, cho rằng đề xuất ngân sách này là "hoàn toàn phi thực tế."

Ngoài ra, Anh cũng phản đối các loại thuế mới của EU và cho rằng nó sẽ tạo thêm gánh nặng cho hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng tiêu cực tới tính cạnh tranh của EU.

Bên cạnh đó, bất cứ nỗ lực nào của Brussels trong việc tăng thuế đều có thể vấp phải sự phản đối của một số nước, trong khi đề xuất đánh thuế giao dịch tài chính đang bị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Anh và một số nước khác phản đối./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục