Liên minh châu Âu (EU) ngày 13/11 đã đề xuất miễn thị thực đi lại trong phạm vi liên minh đối với công dân Anh cũng như đang tăng cường các biện pháp chuẩn bị trong trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận "ly hôn."
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp của Ủy ban châu Âu (EC) tại Strasbourg (Pháp), Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans cho biết EC đã thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến kế hoạch Brexit không đạt bất kỳ thỏa thuận nào.
Ông khẳng định dù việc đạt được thỏa thuận Anh rời khỏi EU - Brexit - là giải pháp ưu tiên của liên minh, song EU cũng phải chuẩn bị mọi phương án có thể xảy ra.
[EC dự phòng trường hợp không đạt được thỏa thuận Brexit với Anh]
Phó Chủ tịch EC cho biết hiện các cuộc đàm phán vẫn đang diễn ra. Dù các bên đã đạt tiến triển, song vẫn chưa thể đi đến thỏa thuận.
Theo đề xuất trên, người dân Anh sẽ không cần thị thực khi lưu tới EU trong vòng 90 ngày. Trong trường hợp Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào, điều khoản này sẽ được áp dụng từ ngày 30/3/2019.
Nếu hai bên đạt thỏa thuận "ly hôn", đề xuất này sẽ được áp dụng ngay cuối quá trình chuyển tiếp.
Tuy nhiên, Brussels cũng cảnh báo điều này "hoàn toàn phụ thuộc vào việc Anh cũng cấp thị thực đi lại miễn phí và không phân biệt đối xử đối với công dân EU đi tới Anh."
Để có thể có hiệu lực, đề xuất trên phải được Nghị viện châu Âu và các nước thành viên EU thông qua.
Trong một tuyên bố, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định đàm phán đang ở trong giai đoạn cuối cùng. Tuy nhiên, hai bên vẫn bất đồng liên quan đến vấn đề biên giới Ireland.
Trước đó, cùng ngày, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh David Lidington tuyên bố một thỏa thuận về Brexit giữa Anh và EU hiện "gần như đang trong tầm tay."
Khi được hỏi liệu điều này ngụ ý rằng hai bên có thể đạt được một thỏa thuận trong 1 tới 2 ngày tới, ông Lidington đã bày tỏ sự lạc quan thận trọng khi cho biết "điều này vẫn có thể, nhưng không thể chắc chắn hoàn toàn."
Quan chức này cũng từ chối đề cập tới việc liệu Anh sẽ phải bắt đầu chuẩn bị cho kịch bản "Brexit không thỏa thuận" nếu không có thỏa thuận nào đạt được vào cuối ngày 14/11.
Ông nhấn mạnh kết quả vào cuối ngày 14/11 là điều quan trọng, song "những gì mà chúng tôi vẫn đang làm trong 2 năm qua kể từ cuộc trưng cầu ý dân (năm 2016) là chuẩn bị các kế hoạch để ứng phó với mọi tình huống xảy ra bất ngờ."
Trong khi đó, trao đổi với hãng Reuters, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt vẫn bày tỏ tin tưởng về một giải pháp khai thông bế tắc cho các cuộc đàm phán Brexit song thừa nhận rất khó để thương lượng đối với 5% còn lại của thỏa thuận.
Cả EU và Anh hiện cần đạt được một thỏa thuận để duy trì mối quan hệ giao thương trong tương lai.
Tuy nhiên, kế hoạch Brexit của Thủ tướng May, còn gọi là kế hoạch Chequers với mục tiêu giữ nước Anh ở lại thị trường hàng hóa chung EU ngoại trừ lĩnh vực dịch vụ để đảm bảo duy trì thương mại tự do trong khối và không thiết lập đường biên giới cứng giữa vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh và Ireland, đang vấp phải sự phản đối của giới chức EU và nhiều thành viên chính phủ, đe dọa làm chệch hướng văn kiện này./.