EU đề xuất cách tiếp cận 3 giai đoạn để giải cứu ngành du lịch

Đại dịch COVID-19 đã khiến ngành "công nghiệp không khói" rơi vào tình trạng hỗn loạn khi biên giới đóng cửa, máy bay nằm bãi và người ưa thích du lịch phải ở nhà.
Một điểm thăm quan nổi tiếng tại Rome, Italy vắng bóng du khách do dịch COVID-19, ngày 21/4/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 13/5, Liên minh châu Âu (EU) đã vạch kế hoạch từng bước khôi phục hoạt động du lịch trong mùa Hè này, hy vọng sẽ "giải cứu" hàng triệu việc làm đang bị đe dọa trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu họp báo, Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Margrethe Vestager cho biết hướng dẫn mới này có thể là cơ hội tốt đối với nhiều người dân châu Âu vốn sống dựa vào ngành du lịch và những người ưa dịch chuyển khi mùa Hè về.

Cụ thể, EU đề xuất cách tiếp cận 3 giai đoạn, bắt đầu với tình hình hiện tại khi hầu hết hoạt động di chuyển qua biên giới không cần thiết đều bị cấm.

[EU yêu cầu các hãng hàng không và khách sạn phát hành voucher]

Giai đoạn tiếp theo, EU muốn dỡ bỏ các hạn chế ở biên giới giữa các nước và các khu vực, nơi tình hình y tế đang cải thiện.

Giai đoạn cuối cùng là tất cả hoạt động kiểm soát biên giới ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan sẽ được dỡ bỏ và cho phép đi lại trên khắp châu Âu.

EU đang hối thúc các chính phủ cân nhắc các yếu tố kinh tế và xã hội cũng như y tế khi xem xét việc mở cửa trở lại biên giới.

Cũng theo khuyến cáo của EU, khách du lịch nên đeo khẩu trang khi di chuyển trên các phương tiện công cộng như máy bay, tàu hỏa và xe buýt, cũng như tại các địa điểm tập trung đông người như sân bay, ga tàu.

Ngoài ra, các chuyến bay sẽ giới hạn lượng hành khách nhằm đảm bảo khoảng cách an toàn.

Các khách sạn và nhà hàng sẽ được yêu cầu giới hạn lượng khách để đảm bảo tuân thủ quy định giãn cách xã hội.

Cũng trong buổi họp báo, bà Vestager cho biết các hãng lữ hành, kể cả các hãng hàng không, có thể khuyến khích khách hàng chấp nhận những phiếu mua hàng thay vì hoàn tiền do các chuyến đi bị hủy vì dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các công dân EU về cơ bản có quyền đòi được hoàn tiền nếu họ muốn.

Đại dịch COVID-19 kéo theo các biện pháp hạn chế và phong tỏa được các nước châu Âu áp đặt nhằm khống chế dịch bệnh lây lan đã khiến ngành "công nghiệp không khói" rơi vào tình trạng hỗn loạn khi biên giới đóng cửa, máy bay nằm bãi và người ưa thích du lịch phải ở nhà.

Các hãng du lịch có nguy cơ phá sản và nhiều nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt hãng hàng không trên khắp châu lục đã buộc phải cắt giảm hàng chục nghìn việc làm.

Ước tính du lịch đóng góp 10% GDP của EU và chiếm 12% tổng số việc làm của khối.

Du lịch cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với các nền kinh tế Nam Âu.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), ngành du lịch chiếm tới 20% GDP của Hy Lạp, 18% GDP của Bồ Đào Nha, 15% GDP của Tây Ban Nha và 13% của Italy.

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng mà ngành du lịch đang phải đối mặt càng rõ rệt khi Tập đoàn du lịch và lữ hành lớn nhất thế giới TUI cùng ngày cho biết có kế hoạch sa thải 8.000 nhân công để cắt giảm chi phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục