Nếu Anh vẫn theo đuổi thỏa thuận Brexit (rời khỏi EU) mà nước này đã đàm phán thì Brussels sẵn sàng đề nghị thiết lập "mối quan hệ đối tác chưa từng có tiền lệ" với London.
Phát biểu tại Nghị viện châu Âu, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ngày 29/11 cho hay mối quan hệ tương lai này sẽ bao gồm "hàng hóa, dịch vụ, nền kinh tế số, đi lại của công dân, vận tải, hợp đồng công, năng lượng, an ninh và, đương nhiên vì sự ổn định của lục địa của chúng ta, chính sách đối ngoại."
Ông còn nêu rõ: "Mối quan hệ đối tác này với Anh sẽ không có tiền lệ xét về bề rộng và số lượng vấn đề hợp tác," miễn là tuyên bố chính trị được nhất trí về quan hệ tương lai này được tôn trọng.
Trước đó, ngày 25/11, Thủ tướng Anh Therasa May đã chính thức khép lại quãng thời gian đàm phán Brexit kéo dài 17 tháng đầy chông gai bằng việc ký vào các thỏa thuận liên quan tới Brexit với lãnh đạo 27 quốc gia thành viên còn lại của EU.
[Anh: Brexit "không thỏa thuận" đe dọa hợp tác an ninh với châu Âu]
Tuy nhiên, việc thuyết phục Quốc hội Anh thông qua bản thỏa thuận này được đánh giá là không hề dễ dàng khi văn kiện này đang vấp phải không ít ý kiến phản đối của cả các nghị sỹ đảng Bảo thủ cầm quyền lẫn các đảng đối lập.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng để tốt cho nước Anh, Quốc hội nước này có rất ít lựa chọn ngoại trừ việc bác bỏ thỏa thuận Brexit.
Các thỏa thuận được ký kết bao gồm các nội dung như mức "phí chia tay" trị giá 39 tỷ bảng mà Anh sẽ phải thanh toán, quyền công dân và thỏa thuận "rào chắn" cho vấn đề biên giới giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland, giúp duy trì một biên giới mở giữa hai bên cho tới khi đạt thỏa thuận thương mại song phương./.