Ngày 10/3, Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các nước thành viên tiếp nhận 6.000 người tị nạn/tháng từ những nước đang quá tải như Hy Lạp và Italy.
Động thái này nhằm thúc đẩy những nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng di cư được coi là lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Phát biểu tại cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ), Ủy viên EU phụ trách vấn đề di cư Dimitris Avramopoulos khẳng định nhiều nước thành viên vẫn chưa đưa ra đề nghị tiếp nhận bất cứ một người xin tị nạn nào.
Tuy nhiên, ông cho biết tuần trước, EU "đã chứng kiến việc tiếp nhận nhanh chóng 287 người tị nạn," đa số từ Hy Lạp.
Ông Avramopoulos kêu gọi các nước thành viên EU hãy phát huy động thái tích cực này và nâng mức tiếp nhận người tị nạn lên 6.000 người/tháng.
Tháng 9 năm ngoái, EU đã thông qua kế hoạch tái phân bổ 160.000 người tị nạn Syria, Iraq và Eritrea từ Hy Lạp và Italy, song đến nay mới chỉ có 885 người được chuyển tới các quốc gia thành viên EU khác.
Một số quốc gia đổ lỗi cho việc chậm trễ thực hiện kế hoạch tái phân bổ người tị nạn là do các chính phủ tìm cách để sàng lọc những phần tử thánh chiến có thể trà trộn trong dòng người tị nạn, đặc biệt sau khi xảy ra loạt vụ tấn công khủng bố tại Paris hồi tháng 11 năm ngoái.
Các lý do khác bao gồm thiếu nhà ở và hệ thống giáo dục cho những người xin tị nạn hoặc gặp khó khăn liên quan đến vấn đề hậu cần.
Thậm chí, một số nước đang đặt ra những điều kiện khó chấp nhận được như từ chối người Hồi giáo, người da đen...
Trong khi đó, cùng ngày, quyền Bộ trưởng Nội vụ Tây Ban Nha Jorge Fernandez Diaz xác nhận nước này sẵn sàng tiếp nhận thêm 450 người tị nạn Iraq và Syria từ Italy, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, ngoài con số 859 người mà Madrid có kế hoạch tiếp nhận trong năm 2016.
Cũng liên quan đến vấn đề người di cư, ngày 10/3, Liên hợp quốc cảnh báo việc trục xuất ồ ạt người di cư từ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ theo dự thảo thỏa thuận giữa EU-Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay là "bất hợp pháp."
Phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu cơ quan này, ông Zeid Ra'ad Al Hussein cho biết dự thảo thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ càng tạo ra những quan ngại mới, đặc biệt việc trục xuất tùy tiện người tị nạn là hoàn toàn "bất hợp pháp"./.