EU đề cao vai trò của IAEA trong giám sát thỏa thuận hạt nhân Iran

Người phát ngôn EC Maja Kocijancic nhận định IAEA đóng vai trò then chốt trong việc giám sát và xác minh việc Iran thực thi các cam kết hạt nhân theo Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), bà Maja Kocijancic. (Ảnh: The Independent/TTXVN)
Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC), bà Maja Kocijancic. (Ảnh: The Independent/TTXVN)

Ngày 6/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trong việc giám sát các hoạt động liên quan tới hạt nhân của Iran, đồng thời bày tỏ quan ngại trước việc Tehran đang thu hẹp các cam kết hạt nhân trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) sau khi Mỹ rút khỏi văn kiện này.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn EC Maja Kocijancic nhận định IAEA đóng "vai trò then chốt... trong việc giám sát và xác minh việc Iran thực thi các cam kết hạt nhân" theo thỏa thuận hạt nhân, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Quan chức này nêu rõ "cam kết của chúng tôi đối với thỏa thuận hạt nhân phụ thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran", cho biết Liên minh châu Âu (EU) đưa ra đánh giá căn cứ "vào những báo cáo do IAEA thực hiện."

[EU kêu gọi Iran "đảo ngược" quyết định liên quan thỏa thuận hạt nhân]

Người phát ngôn EC cũng cho biết cơ quan này rất quan ngại về những cảnh báo mới nhất của Iran về khả năng dỡ bỏ mọi hạn chế trong nghiên cứu và phát triển hạt nhân, đồng thời nhấn mạnh EC kêu gọi Iran "đảo ngược tất cả những bước đi không phù hợp với các cam kết... và kiềm chế tránh tiến hành thêm các biện pháp làm suy yếu nỗ lực gìn giữ và thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân."

Bà cũng lưu ý tới sáng kiến Công cụ Hỗ trợ trao đổi thương mại (INSTEX) của Anh, Đức và Pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với Tehran nhằm hạn chế những tác động xấu của các biện pháp trừng phạt của Mỹ, coi đây là "một phương tiện chuyên dụng" và đã bắt đầu xử lý các khoản thanh toán.

Trước đó hai ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố từ ngày 6/9 nước này sẽ mở rộng nghiên cứu và phát triển hạt nhân.

Đây là bước đi thứ ba của Iran thu hẹp các cam kết hạt nhân của Tehran trong thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 với Nhóm P5+1.

Ông cũng cho biết các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA sẽ có 2 tháng để tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân này vì dường như các bên không thể sớm đạt được một kết quả. Nhà lãnh đạo Iran đồng thời nhấn mạnh Tehran sẽ tiếp tục hợp tác với IAEA và hoạt động hạt nhân của Iran sẽ diễn ra một cách hòa bình.

Trước khi đi đến quyết định trên, Iran đã giảm bớt hai cam kết trong thỏa thuận (về hạn chế trữ lượng urani và mức làm giàu urani) nhằm đáp lại các lệnh trừng phạt của Mỹ kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi JCPOA.

Các nước còn lại, gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, và Trung Quốc vẫn tìm cách duy trì thỏa thuận.

Các cường quốc châu Âu đang nỗ lực giảm căng thẳng Mỹ-Iran, song Washington và Tehran lại đang thực hiện các chiến lược ngày càng cứng rắn hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục