EU đạt thỏa thuận về thắt chặt kỷ luật ngân sách

Bộ trưởng tài chính các nước thành viên EU đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt mới nhằm thắt chặt kỷ luật ngân sách.
Rút ra bài học sâu sắc từ cuộc khủng hoảng nợ tại Hy Lạp vừa qua, ngày 18/10, bộ trưởng tài chính các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí về những biện pháp trừng phạt mới nhằm thắt chặt kỷ luật ngân sách.

Theo thỏa thuận đạt được sau 8 giờ đàm phán tại Luxembourg, mọi quốc gia thuộc EU bị Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo về những hành động vi phạm liên quan đến ngân sách sẽ có thời gian sáu tháng để điều chỉnh chính sách trước khi các lệnh trừng phạt có hiệu lực.

Cùng ngày, Pháp và Đức đã kêu gọi các quốc gia thành viên EU đưa ra các đề xuất vào tháng 3/2011 về một hệ thống lâu dài nhằm đối phó với khủng hoảng tại khu vực đồng tiền chung euro và cho biết điều đó có thể làm thay đổi hiệp ước của EU.

Trong tuyên bố chung sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Pháp, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết họ cũng nhất trí rằng khu vực tư nhân cần tham gia vào hệ thống này nhằm giải quyết các vấn đề như khủng hoảng nợ công vốn đã xảy ra tại Hy Lạp trong năm nay.

Tổng thống Pháp Sarkozy cho biết Pháp và Đức sẽ đề xuất những quy định mới để trừng phạt các quốc gia EU vi phạm những cam kết chung giữa các nước thành viên, có mức thâm hụt ngân sách cao mà không có các biện pháp chống đỡ.

Ông khẳng định hai nước muốn sửa đổi Hiệp ước Lisbon vào năm 2013, theo đó sẽ đưa vào văn bản pháp lý này những qui định mới về mức thâm hụt ngân sách của các nước thành viên nhằm đảm bảo sự ổn định tài chính trong liên minh, tránh lặp lại cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Theo qui định mới, mỗi nước thành viên phải duy trì mức thâm hụt ngân sách dưới 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Lãnh đạo hai nước kêu gọi các đề xuất được đệ trình trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 3/2011.

Hai quốc gia thành viên lớn nhất EU cũng nhất trí về sự cần thiết phải thay đổi luật pháp EU để có thể đình chỉ quyền bỏ phiếu của một quốc gia thành viên nếu quốc gia đó vi phạm nghiêm trọng các quy tắc của Liên minh Kinh tế và Tiền tệ (EMU)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục