Ngày 13/2, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận tạm thời về cải cách luật bản quyền trực tuyến của khối sau tranh cãi giữa các hãng truyền thông với những "gã khổng lồ" Internet như Google và Facebook.
Trong một đăng tải trên trang mạng Twitter, Phó Chủ tịch EU Andrus Ansip viết: "Đã đạt được thỏa thuận về bản quyền. Người dân châu Âu cuối cùng có các quy định hiện đại về bản quyền thích hợp với kỷ nguyên số, mang lại lợi ích thật sự cho tất cả mọi người như quyền của người sử dụng được đảm bảo, chia sẻ doanh thu một cách công bằng với ngành công nghiệp sáng tạo tại châu Âu, tính minh bạch của các quy định về nền tảng trực tuyến."
Theo ông Ansip, những quy định này sẽ giúp người dân có thể sử dụng và tiếp cận tới các tài liệu bản quyền với sự đảm bảo về pháp lý.
Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP), Antonio Tajani, cũng xác nhận trên Twitter việc đạt được thỏa thuận về bản quyền, bảo vệ tính sáng tạo của châu Âu, cho phép các nhạc sỹ, diễn viên, nhà văn, nhà báo... được chia sẻ doanh thu một cách công bằng từ các tập đoàn Internet lớn.
Nghị viện châu Âu và Hội đồng châu Âu, đại diện cho 28 nước thành viên, đã ký thỏa thuận trên sau 3 ngày đàm phán căng thẳng. Thỏa thuận này phải được Hội đồng châu Âu và các nghị sỹ châu Âu chính thức thông qua trước khi diễn ra cuộc bầu cử EP vào tháng 5 tới.
Ủy ban châu Âu (EC) hồi tháng 9/2016 đã khởi động việc thảo luận gói cải cách bản quyền nhằm đảm bảo các nền tảng trực tuyến phải chia sẻ doanh thu cho các nhà xuất bản, các hãng phát thanh truyền hình và các nghệ sỹ một cách công bằng, cũng như chịu trách nhiệm cho các hành vi vi phạm bản quyền trực tuyến.
Hồi cuối tháng 8/2018, các nhà báo hàng đầu từ hơn 20 quốc gia trên thế giới đã kêu gọi EP thông qua gói cải cách luật bản quyền nhằm đảm bảo các nhà sản xuất nội dung sáng tạo, gồm tin tức, âm nhạc hay điện ảnh, được chi trả công bằng trong một thế giới kỹ thuật số.
[Nghị viện châu Âu thông qua gói cải cách bản quyền gây tranh cãi]
Nhiều hãng truyền thông lớn cũng đã thúc đẩy gói cải cách bản quyền kỹ thuật số, trong đó có Điều khoản 11 nhấn mạnh cần có giải pháp khẩn cấp chống lại việc các hãng tin trực tuyến miễn phí đang đe dọa nghiêm trọng doanh thu của các hãng truyền thông truyền thống. Tuy nhiên, những người phê phán lại gọi đây là một dạng thuế kìm hãm các cuộc trao đổi hay thảo luận trên Internet.
Bên cạnh đó, các hãng Internet lớn như Google hay Facebook cũng đặc biệt chỉ trích Điều khoản 13, theo đó quy định việc sử dụng nội dung được bảo vệ bởi nhà cung cấp dịch vụ chia sẻ nội dung trên mạng.
Tháng 9/2018, EP đã thông qua dự thảo luật song các nước thành viên EU phải tiến hành đàm phán chủ yếu là do bất đồng giữa Pháp và Đức về văn bản dự thảo./.