EU đạt thỏa thuận ra tiêu chuẩn trái phiếu xanh đầu tiên trên thế giới

Hiện nay, "các khoản nợ xanh" được đưa ra để gọi vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông phát thải thấp hoặc nhà ở cách nhiệt đang rất được các nhà đầu tư quan tâm.
Hiện "các khoản nợ xanh" được đưa ra để gọi vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông phát thải thấp... đang rất được các nhà đầu tư quan tâm. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt thỏa thuận mang tính bước ngoặt, qua đó tạo ra tiêu chuẩn trái phiếu xanh đầu tiên trên thế giới nhằm đặt ra chuẩn mực toàn cầu cho các nhà đầu tư trong quá trình chuyển đổi xanh.

Hiện nay, "các khoản nợ xanh" được đưa ra để gọi vốn đầu tư cho các dự án năng lượng tái tạo, giao thông phát thải thấp hoặc nhà ở cách nhiệt đang rất được các nhà đầu tư quan tâm.

Tuy nhiên, EU vẫn chưa đưa ra tiêu chuẩn chung để đánh giá tính bền vững của các khoản đầu tư. Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra đề xuất lần đầu về tiêu chuẩn này vào tháng 7/2021.

Hội đồng châu Âu, đại diện cho 27 nước thành viên EU, và Nghị viện châu Âu (EP) ngày 28/2 đã thông báo "tiêu chuẩn đầu tiên trên thế giới liên quan các trái phiếu xanh."

[Italy phản đối kế hoạch cấm bán xe động cơ đốt trong của EU]

EP cho biết tiêu chuẩn này sẽ giúp các nhà đầu tư tự tin hơn khi định hướng các khoản đầu tư cho những công nghệ và doanh nghiệp bền vững hơn. Tiêu chuẩn này phù hợp với luật nhãn xanh của EU định nghĩa hoạt động kinh tế được coi là bền vững.

Bà Elisabeth Svantesson, Bộ trưởng Tài chính Thụy Điển, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU, cho rằng với tiêu chuẩn rõ ràng, những nhà đầu tư mua trái phiếu có thể tiếp cận dễ dàng hơn, so sánh và tin tưởng rằng các khoản đầu tư mà họ lựa chọn là bền vững, qua đó giảm nguy cơ gặp phải các khoản đầu tư "tẩy xanh."

EU hướng tới mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050. Giá trị trao đổi thường niên trên thị trường trái phiếu châu Âu ước tính 100.000 tỷ euro ( 107.000 tỷ USD).

Thỏa thuận trên phải được Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu chính thức thông qua và sẽ được triển khai áp dụng 12 tháng sau khi có văn bản này có hiệu lực./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục