Ngày 11/7, Nghị viện châu Âu chính thức thông qua kế hoạch của Liên minh châu Âu (EU) nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng riêng chip bán dẫn của khối.
Đây là một mục tiêu chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung của châu Á.
Với 587 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Nghị viện đã thông qua sáng kiến mang tên Đạo luật chip EU.
Theo đó, EU đặt mục tiêu tăng gấp 4 lần thị phần toàn cầu của EU về chất bán dẫn lên 20% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu tham vọng này, EU sẽ phải huy động khoản đầu tư công và tư trị giá 43 tỷ euro (47 tỷ USD).
[Trung Quốc siết xuất khẩu gali và germani khiến nhiều công ty lo lắng]
Đạo luật cũng kêu gọi EU dành khoản ngân sách 3,3 tỷ euro để thực hiện mục tiêu trên, cũng như để tăng cường nghiên cứu và phát triển.
Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để theo dõi nguồn cung và dự báo bất kỳ sự thiếu hụt nào.
Đây là một phần trong chiến lược tăng khả năng tự cung tự cấp của châu Âu, được đưa ra sau khi giá thực phẩm và năng lượng leo thang do xung đột Nga-Ukraine.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa diễn ra và ngành sản xuất châu Á trỗi dậy, hoạt động của châu Âu trong lĩnh vực này giảm dần trong những thập kỷ gần đây.
Thị trường chip bán dẫn hiện do Đài Loan (Trung Quốc) thống lĩnh khi sản xuất 90% sản lượng chip tiên tiến nhất.
Đại dịch COVID-19 bùng phát năm 2020 khiến chuỗi cung ứng tại châu Á đứt gãy, gây ra tình trạng thiếu hụt trầm trọng chip cho ngành chế tạo ôtô của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.
Chip bán dẫn là “bộ não” của các thiết bị điện tử, được sử dụng trong mọi thứ từ điện thoại thông minh đến các thiết bị gia dụng./.