Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Igor Driesmans, đánh giá Việt Nam đã vượt qua những thách thức thực sự “chưa từng thấy” để tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Ngày 27/6, Đại sứ Driesmans nhấn mạnh rằng đây lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ quan hệ, các nhà lãnh đạo ASEAN đã gặp gỡ và trao đổi thông qua hình thức trực tuyến.
Đại sứ Driesmans khẳng định: “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị rằng thế giới đang thay đổi không thể đảo ngược, và sự kiện này chứng tỏ rằng ASEAN dễ dàng thích nghi với những thay đổi đó.”
Đại sứ Driesmans cho rằng bất chấp bối cảnh khó khăn, Hội nghị cấp cao chính thức đầu tiên do Việt Nam tổ chức với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2020 đã đạt được một số kết quả quan trọng.
[ASEAN 2020: Sức sống vững bền của một cộng đồng tự cường, năng động]
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã tiếp tục theo đuổi chương trình nghị sự hội nhập khu vực đầy tham vọng, với việc thông qua Tuyên bố "Tầm nhìn về một ASEAN gắn kết và đáp ứng: Vượt lên các thách thức và duy trì tăng trưởng."
Theo Đại sứ Driesmans, với văn kiện toàn diện này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã tái khẳng định cam kết theo đuổi các tiến bộ trên nhiều lĩnh vực, tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Đặc biệt, Tuyên bố này ghi nhận sự cần thiết phải ứng phó hiệu quả với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế-xã hội trong khu vực.
Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí ủng hộ kế hoạch tổng thể về phục hồi của ASEAN bằng các hành động trên quy mô lớn nhằm tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế khu vực; thông qua một số sáng kiến quan trọng, bao gồm Quỹ ASEAN ứng phó với dịch COVID-19, Kho Dự trữ vật tư y tế khu vực, và Quy trình hoạt động tiêu chuẩn (SOP) cho phản ứng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã phê duyệt Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng, thể hiện quyết tâm đảm bảo nguồn thực phẩm, thuốc men, cũng như các nguồn cung y tế và các sản phẩm thiết yếu khác trong khu vực.
Đại sứ Driesmans cho rằng ASEAN đã đạt được tất cả các kết quả quan trọng này trên tinh thần “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm Chủ tịch Việt Nam.
Đại sứ Driesmans cho rằng việc Việt Nam tập trung củng cố một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” không có gì phù hợp hơn vào lúc này, trong bối cảnh đại dịch đã gây ra một cú sốc kinh tế toàn cầu chưa từng thấy trong lịch sử gần đây.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề cập đến sự cần thiết đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế, và tôi tin rằng đây là động lực đã thúc đẩy Năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam ngay từ những ngày đầu của cuộc khủng hoảng này,” ông bày tỏ.
Cũng theo Đại sứ Driesmans, dưới sự lãnh đạo của Việt Nam, ASEAN đã cho thấy sự sẵn sàng thực sự nhằm cùng nhau tìm ra giải pháp cho khu vực và giảm thiểu các tác động của cuộc khủng hoảng này.
Việt Nam cũng đã tái khẳng định vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN thông qua việc duy trì đối thoại thường xuyên, thực chất giữa ASEAN với các đối tác kể từ khi đại dịch bùng phát, ví dụ Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng ASEAN-EU về hợp tác ứng phó dịch COVID-19 hồi tháng 3/2020.
Đại sứ Driesmans cho rằng điều này cho thấy ASEAN đã thể hiện mình là một tổ chức đoàn kết và gắn kết.
Các nỗ lực này cũng đã mang lại kết quả trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, với việc khu vực ASEAN đang có tỷ lệ phục hồi cao trong các trường hợp dương tính đã được xác nhận, tỷ lệ tử vong thấp và ít các ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Về những vấn đề mà ASEAN và Việt Nam - với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020 - cần tập trung thúc đẩy trong 6 tháng tới, Đại sứ Driesmans cho rằng trước mắt, ASEAN cần tập trung kiểm soát dịch bệnh, đồng thời triển khai tiến trình phục hồi hậu đại dịch.
Trong khi tốc độ tăng trưởng toàn cầu có khả năng chậm lại trong năm nay, với một kế hoạch cẩn thận và các hành động đúng đắn, các nền kinh tế ASEAN vẫn có cơ hội duy trì sự ổn định hợp lý và tránh được suy thoái.
Theo ông Driesmans, vấn đề then chốt là duy trì đoàn kết và thúc đẩy hợp tác dựa trên các đề xuất đã được nhất trí. Đây là lý do tại sao các sáng kiến như Kế hoạch hành động Hà Nội rất quan trọng.
Đại sứ Driesmans khẳng định EU sẽ tiếp tục ủng hộ các nỗ lực của ASEAN nhằm xây dựng một cộng đồng thịnh vượng, an toàn và thống nhất vì điều này mang lại lợi ích cho cả hai khu vực.
EU và ASEAN là một trong những đối tác đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao về ứng phó với dịch COVID-19 và hai bên sẽ tiếp tục trao đổi thông tin nhằm xác định các cách thức giải quyết khủng hoảng.
Hiện hai bên đang hợp tác nghiên cứu về dịch bệnh COVID-19, với 18 dự án nghiên cứu mới do EU tài trợ dành cho các tổ chức khoa học ASEAN.
Ngoài ra, cho đến nay, EU và các quốc gia thành viên của liên minh này đã huy động được hơn 350 triệu euro nhằm hỗ trợ các hệ thống y tế và phục hồi kinh tế trong ASEAN.
Bên cạnh đó, EU sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN nhằm đảm bảo duy trì kết nối chuỗi cung ứng.
Đồng thời, EU sẽ tiếp tục mở rộng các hiệp định thương mại và đầu tư tự do trong khu vực, sau khi phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA), trong đó loại bỏ tới 99% dòng thuế.
Đại sứ Driesmans khẳng định rằng mối quan hệ EU-ASEAN không còn chỉ trên lĩnh vực thương mại mà cả trong hợp tác.
Hai bên ngày càng hợp tác sâu rộng về an ninh và quốc phòng, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải.
Hai bên cũng đang tăng cường hợp tác nhằm đối phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống liên quan đến các vấn đề như khan hiếm tài nguyên, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, thiên tai, nạn buôn người, buôn bán ma túy và tội phạm xuyên quốc gia.
Theo Đại sứ Driesmans, nền kinh tế xanh, số hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu sẽ ngày càng trở thành các lĩnh vực hợp tác lớn giữa EU và ASEAN.
Đặc biệt, Chương trình nghị sự xanh là ưu tiên hàng đầu của EU và trong mối quan hệ đối tác giữa EU với ASEAN.
Đại sứ Driesmans nhấn mạnh: “EU coi ASEAN là một đối tác không thể thiếu. Cùng nhau, chúng ta có thể bảo vệ trật tự dựa trên các quy tắc quốc tế và duy trì các giá trị toàn cầu chung”./.