EU đã xác định được những bước đi cụ thể để cải tổ nội khối

EU đã nhất trí với thỏa thuận hỗ trợ cho Cơ chế giải quyết duy nhất và đồng ý trao cho Cơ chế bình ổn châu Âu quyền lực mạnh hơn để ngăn chặn và quản lý các cuộc khủng hoảng tài chính.
Toàn cảnh ngày họp thứ hai Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels, Bỉ, ngày 14/12/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết các nhà lãnh đạo EU đã cam kết những bước đi cụ thể để củng cố liên minh kinh tế và tiền tệ của khối.

Tại cuộc họp lần này, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí với thỏa thuận hỗ trợ cho Cơ chế giải quyết duy nhất và đồng ý trao cho Cơ chế bình ổn châu Âu quyền lực mạnh hơn để ngăn chặn và quản lý các cuộc khủng hoảng tài chính.

Hai quyết định này có ý nghĩa củng cố đáng kể liên minh tiền tệ châu Âu.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo EU đã đồng ý cho ra đời một công cụ ngân sách cho 19 quốc gia sử dụng đồng euro.

[Anh nhận được lời đảm bảo không chắc chắn từ 27 nước EU?]

Số tiền chưa được xác định này sẽ phải được đưa vào khoản mục ngân sách đa quốc gia của EU nhằm tạo điều kiện cho sự hội tụ của 19 quốc gia sử dụng đơn vị tiền tệ chung.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đã thông qua các kết luận về thị trường đơn nhất, biến đổi khí hậu, di cư, chống thông tin giả, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bài ngoại.

Liên quan tới vấn đề “thông tin giả,” ông Donald Tusk cho biết mối bận tâm hàng đầu tại EU liên quan tới sự đe dọa có chủ ý đối với các nền dân chủ của châu Âu trên quy mô lớn và có hệ thống.

Theo ông, mối đe dọa này không dễ biến mất và thậm chí có nguy cơ ngày càng gia tăng. Các hành động do Ủy ban châu Âu và Cơ quan đối ngoại của EU đề xuất sẽ được các cơ quan có thẩm quyền triển khai lập tức ngay trước khi diễn ra các cuộc bầu cử châu Âu.

Lãnh đạo các nước EU cũng đã lần đầu tiên thảo luận về đề xuất của Ủy ban châu Âu cho ngân sách giai đoạn 7 năm tiếp theo (2021-2028).

Bất chấp áp lực từ Nghị viện châu Âu yêu cầu kết thúc các cuộc đàm phán trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 5, các nước thành viên không trông chờ vào khả năng đạt được thỏa thuận trước cuối năm 2019.

Hiện vẫn tồn tại sự bất đồng không nhỏ giữa 27 nước EU về các vấn đề liên quan tới quy mô ngân sách, phân phối lại các quỹ nhằm tài trợ hợp lý cho các chính sách truyền thống như Chính sách nông nghiệp chung, Chính sách gắn kết cùng những ưu tiên mới về các vấn đề người di cư, đảm bảo an ninh hay chống biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục