Ngày 15/12, EU chính thức công bố các dự thảo luật nhắm vào những “gã khổng lồ” công nghệ như Google, Amazon và Facebook - vốn bị coi là mối nguy đối với sự cạnh tranh trên thị trường công nghệ của khối này.
Một bộ quy tắc có tên Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) nhắm đến những “người giữ cổng của thị trường trực tuyến” - chỉ các công ty đạt doanh thu hàng năm trên 6,5 tỷ euro ở châu Âu trong ba năm qua, có giá trị thị trường 65 tỷ euro và cung cấp một dịch vụ nền tảng cốt lõi ở ít nhất ba quốc gia EU, bên cạnh một số tiêu chí khác.
Đạo luật trên đặt ra một danh sách những yêu cầu với các công ty, chẳng hạn như họ phải chia sẻ một số loại dữ liệu nhất định với các đối thủ và cơ quan quản lý.
[Facebook, Twitter và TikTok đứng trước nguy cơ đối mặt án phạt ở Anh]
Cùng với đó là những điều bị hạn chế, bao gồm việc các công ty phải ngừng ưu tiên các dịch vụ riêng trên nền tảng của mình.
Đạo luật cũng kêu gọi áp mức phạt lên đến 10% doanh thu toàn cầu hàng năm cho các công ty không tuân thủ, hoặc thậm chí yêu cầu chia tách hoạt động kinh doanh như là một phương sách cuối cùng.
Những “người gác cổng” cũng sẽ được yêu cầu báo cáo các thương vụ mua bán-sáp nhập cho các cơ quan chức năng, nhằm ngăn chặn các vụ mua lại để "triệt tiêu" các đối thủ của những công ty công nghệ lớn.
Bộ quy tắc thứ hai là Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) cũng nhắm mục tiêu đến các nền tảng trực tuyến lớn có hơn 45 triệu người dùng.
Những nền tảng này phải tìm cách giải quyết các nội dung bất hợp pháp, tránh việc lạm dụng nền tảng nhằm vi phạm các quyền cơ bản của người dùng, kiểm soát việc cố ý thao túng nền tảng để ảnh hưởng đến kết quả bầu cử và sức khỏe cộng đồng, cùng một số yêu cầu khác.
Nếu không đáp ứng, các công ty sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 6% doanh thu toàn cầu.
Các công ty cũng sẽ phải hiển thị chi tiết về quảng cáo chính trị trên nền tảng của họ, cùng các thông số mà thuật toán sử dụng để đề xuất và xếp hạng thông tin.
Theo các nguồn thạo tin, những “đại gia” sẽ phải chịu quản lý chặt chẽ hơn bao gồm Facebook, Google, Amazon, Apple, Microsoft và SnapChat của Mỹ, Alibaba và Bytedance của Trung Quốc, Samsung của Hàn Quốc và Booking.com của Hà Lan.
Hai dự thảo luật sẽ trải qua một quá trình phê chuẩn lâu dài và phức tạp, với 27 quốc gia của EU, Nghị viện châu Âu và cuộc vận động hành lang mạnh mẽ của các công ty cùng hiệp hội thương mại đều sẽ có ảnh hưởng đến bản thảo luật cuối cùng.
Theo giới quan sát, sẽ còn phải mất nhiều tháng thậm chí nhiều năm nữa để hai dự luật trên chính thức được luật hóa.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cảnh báo việc siết chặt quản lý của EU có nguy cơ làm gia tăng bất đồng với Washington, vốn đã xấu đi vì nỗ lực đánh thuế các công ty công nghệ Mỹ của Brussels./.