Ngày 4/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố các mục tiêu của khối về giảm nghèo đói, bất bình đẳng, thúc đẩy đào tạo và tăng việc làm vào năm 2030.
Đây là một phần trong kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 với nguồn tài chính từ các quỹ vay mượn chung.
EC nêu rõ Liên minh châu Âu (EU) cần tăng tỷ lệ lao động từ mức 73% vào năm 2019 lên 78% vào năm 2030, thu hẹp chênh lệch về giới trong tỷ lệ lao động, giảm bớt số người trẻ thất nghiệp hoặc không đi học từ 12,6% xuống 9%.
EC nhận định trong bối cảnh tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng có xu hướng tăng lên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, việc tập trung vào các chính sách tạo thêm việc làm chất lượng, tăng cường đào tạo nghề và giảm bớt nghèo đói, tình trạng phân biệt đối xử sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối nguồn lực đến những nơi cần nhất.
[Phụ nữ trên thế giới vẫn đối mặt những trở ngại về bình đẳng giới]
Các mục tiêu cũng bao gồm việc tăng số người trưởng thành được đào tạo mỗi năm để thích ứng với việc EU chuyển đổi sang nền kinh tế số hóa và xanh hơn.
Trong 10 năm tới, EU cần giảm số người có nguy cơ rơi vào nghèo đói hay bị phân biệt đối xử trong xã hội từ 91 triệu người năm 2019 xuống còn 15 triệu người.
Theo EC, đây đều là những mục tiêu tham vọng nhưng mang tính thực tiễn. Các mục tiêu này sẽ cần có sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo EU.
Các mục tiêu trên nằm trong 20 quyền về xã hội mà EU đã nhất trí vào năm 2017 để giúp khối này nhận được sự ủng hộ của cử tri và chống lại xu hướng hoài nghi trên khắp khu vực.
Theo đó, tất cả mọi người đều có quyền học tập trong suốt cuộc đời, nam nữ cần được bình đẳng về cơ hội trong mọi lĩnh vực và nhận được mức lương ngang bằng trong cùng công việc.
Trong khi đó, những người thất nghiệp có quyền được nhận sự hỗ trợ lâu dài và mang tính cá nhân, trong khi người lao động có quyền nhận mức lương công bằng, giúp đảm bảo chất lượng cuộc sống./.