EU có thể áp thuế đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar

Gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar sẽ bị áp thuế 175 euro/tấn (tương đương 198,84 USD/tấn) trong năm 2019, 150 euro/tấn năm 2020 và 125 euro/tấn năm 2021.
EU có thể áp thuế đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar ảnh 1Một đại lý gạo ở Phnom Penh, Campuchia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong thông báo mới đây, Hiệp hội Nông nghiệp Italy cho biết Ủy ban châu Âu (EC) gần như chắc chắn sẽ đánh thuế đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar.

Cụ thể, gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar sẽ bị áp thuế 175 euro/tấn (tương đương 198,84 USD/tấn) trong năm 2019, 150 euro/tấn năm 2020 và 125 euro/tấn năm 2021.

Quy định áp thuế của EC dự kiến sẽ sớm được đưa ra nếu không vấp phải bất kỳ sự phản đối nào.

Các đề xuất áp thuế đối với gạo nhập khẩu được Italy trình lên EC vào ngày 16/2/2018.

[Nam Phi - cửa ngõ để gạo Việt Nam thâm nhập thị trường châu Phi]

Italy đề xuất EC khôi phục các mức thuế, coi đây là các biện pháp tự vệ theo quy định của châu Âu.

Đề xuất của Italy được các nước Tây Ban Nha, Pháp, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Romania, Bulgaria và Hungary ủng hộ.

Tháng 12/2018, Liên minh châu Âu (EU) đã bỏ phiếu về đề xuất đánh thuế nhập khẩu gạo nói trên của Italy, theo đó có 13 phiếu thuận (trong đó có Pháp), 7 phiếu trắng (trong đó có Đức) và 8 phiếu chống (trong đó có Anh). Kết quả bỏ phiếu không đủ tỷ lệ cần thiết (65%) để áp dụng ngay các biện pháp tự vệ theo đề xuất của Italy.

Trước đó, vào tháng 3/2018, EC đã mở cuộc điều tra để xác định liệu gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar có gây khó khăn nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự của EU hay không.

Italy là nhà sản xuất lúa gạo lớn nhất châu Âu với diện tích hơn 219.300 ha, sản lượng đạt 1,4 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng gạo của EU.

Chế độ thương mại ưu đãi đã cho phép gạo nhập khẩu từ Campuchia và Myanmar tăng "thần tốc," từ 5.297 tấn năm 2008/2009 lên 372.000 tấn năm 2018.

Gạo nhập khẩu đã tác động tiêu cực lên ngành sản xuất lúa gạo của Italy, với doanh số bán tại thị trường EU giảm từ 240.305 tấn xuống còn 192.302 tấn trong giai đoạn này, trong khi sản lượng gạo của Italy giảm 40% trong hai năm qua./

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục