EU có thể áp đặt trừng phạt Italy nếu không đạt thỏa thuận ngân sách

Ủy ban châu Âu (EC) có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Italy như một phương sách cuối cùng nếu Rome không đạt được một thỏa thuận về ngân sách.
EU có thể áp đặt trừng phạt Italy nếu không đạt thỏa thuận ngân sách ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Italy Giovanni Tria (trái) và Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Eurogroup ở Brussels, Bỉ ngày 5/11/2018. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ủy ban châu Âu (EC) có khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Italy như một phương sách cuối cùng nếu Rome không đạt được một thỏa thuận về ngân sách.

Mặc dù vậy, theo Ủy viên phụ trách Kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Pierre Moscovici, Brussels muốn tránh sự lựa chọn này.

Phát biểu với báo giới bên lề một cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính EU, ông Moscovici nêu rõ: "Tôi muốn một cuộc đối thoại và các biện pháp trừng phạt chỉ là giải pháp cuối cùng nếu chúng ta không đạt được một thỏa thuận."

Theo ông, hiện chưa có quyết định nào được đưa ra, vì Rome vẫn còn một tuần để thay đối kế hoạch ngân sách của nước này trước thời hạn chót là ngày 13/11. Ông khẳng định không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt bởi các biện phát như vậy luôn là sai lầm.

[Italy chưa đổi ý trước kêu gọi phải điều chỉnh kế hoạch ngân sách]

Trước đó, trong buổi họp kín ngày 5/11, các bộ trưởng tài chính Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hối thúc Italy điều chỉnh ngân sách năm 2019 của nước này, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc về tài chính của Liên minh châu Âu (EU).

Đây là lần đầu tiên các bộ trưởng tài chính Eurozone nhóm họp kể từ khi Ủy ban châu Âu (EC) bác kế hoạch ngân sách năm 2019 của Italy, đồng thời đặt thời hạn cho Rome đến ngày 13/11 phải đưa ra dự thảo ngân sách mới.

Theo kế hoạch ngân sách cho tài khóa 2019 mà chính phủ liên minh Italy đệ trình nhưng đã bị EC bác bỏ, Italy sẽ không hạn chế chương trình chi tiêu khổng lồ được cho sẽ làm tăng thâm hụt trong năm tới lên 2,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ mức mục tiêu 1,8% trong năm nay và cao gần gấp 3 lần mục tiêu của chính quyền tiền nhiệm.

Điều này trái ngược hoàn toàn với cam kết của chính phủ cánh tả tiền nhiệm về việc giữ mức thâm hụt ngân sách tài khóa 2019 ở mức 0,8% GDP, nhằm cắt giảm mức nợ công đang ở con số 2.300 tỷ euro của Italy.

EC cũng cho rằng kế hoạch này rõ ràng vi phạm các quy tắc tài chính của EU và có khả còn làm tăng khoản nợ công rất cao của nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục