Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các kế hoạch khẩn cấp để giới hạn giá khí đốt hoặc tách giá điện khỏi chi phí khí đốt tăng cao, cũng như các cải cách dài hạn nhằm đảm bảo giá điện chạy bằng năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn.
Các bộ trưởng năng lượng EU sẽ nhóm họp vào ngày 9/9 tới (giờ địa phương) để thảo luận về cách giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp do giá năng lượng tăng vọt, coi đây là một vấn đề cấp bách.
Giá điện của châu Âu đã tăng mạnh trong năm ngoái, do giá khí đốt tăng cao kỷ lục khi Nga siết chặt nguồn cung sang châu Âu.
Các chính phủ châu Âu cáo buộc Nga sử dụng năng lượng để gây sức ép nhằm trả đũa việc phương Tây hỗ trợ Ukraine sau cuộc xung đột với Nga. Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga đã “đổ lỗi” cho việc cắt giảm này là do các vấn đề kỹ thuật và biện pháp trừng phạt của phương Tây.
[Lãnh đạo Anh, Đức thảo luận về khủng hoảng năng lượng]
Việc thay đổi hệ thống năng lượng của 27 quốc gia EU có thể phức tạp và mất thời gian, vì hoạt động buôn bán năng lượng xuyên biên giới giữa các thành viên đã mất hai thập kỷ để hình thành. Nhưng các nhà hoạch định chính sách EU đang chạy đua để tìm ra giải pháp ngắn hạn. Đây là lý do tại sao châu Âu đang xem xét cải cách thị trường năng lượng.
Ngày 7/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất “5 biện pháp khẩn cấp” mà EU có thể thực hiện để giải quyết tình trạng giá năng lượng tăng cao và bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp dễ bị tổn thương của châu Âu.
Các biện pháp được EC đề xuất là: tiết kiệm điện một cách thông minh; giới hạn doanh thu của các công ty sản xuất điện không sử dụng khí đốt; giới hạn giá khí đốt của Nga; thiết lập một cơ chế đoàn kết để phân phối lại lợi nhuận quá mức của các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch; cung cấp thanh khoản cho doanh nghiệp.
Giá điện tăng vọt đã mang lại doanh thu cao bất thường cho các máy phát điện không dùng khí đốt với chi phí vận hành rẻ hơn, như trang trại gió và nhà máy hạt nhân. Bà Von der Leyen cho rằng các nước nên sử dụng mức trần giá để hạn chế những khoản thu đó và chi tiền để hỗ trợ người tiêu dùng.
Các bộ trưởng năng lượng của EU sẽ thảo luận về các lựa chọn khác nhau khi nhóm họp vào ngày 9/9 tới. Bất kỳ chính sách hoặc đạo luật mới nào của EC đều cần được các nước thành viên phê duyệt.
Ý tưởng giới hạn giá khí đốt hoặc giá điện từ lâu đã nhận được sự ủng hộ từ Tây Ban Nha, Bỉ và các nước khác, và bây giờ là từ các quốc gia ban đầu có thái độ miễn cưỡng như Áo và Đức. Pháp nằm trong số các quốc gia ủng hộ hành động tách biệt giá khí đốt và giá điện.
Bà Von der Leyen cũng cho biết EC sẽ đề xuất mức trần giá cụ thể đối với khí đốt từ Nga - một động thái nhằm cắt giảm doanh thu mà Nga nhận được từ việc bán nhiên liệu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngỏ khả năng nước này sẽ ngừng cung cấp dầu mỏ và khí đốt nếu các nước phương Tây áp giá trần đối với các mặt hàng năng lượng của nước này./.