EU chưa thể thống nhất về ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID-19

Các Bộ trưởng Nội vụ EU đã ca ngợi tiềm năng của ứng dụng công nghệ truy dấu nhằm nới lỏng việc kiểm tra biên giới nội khối, tuy nhiên cảnh báo tính hiệu quả do sự thiếu phối hợp.
EU chưa thể thống nhất về ứng dụng truy vết tiếp xúc COVID-19 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Cnet)

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, các Bộ trưởng Nội vụ Liên minh châu Âu (EU) đã ca ngợi tiềm năng của ứng dụng công nghệ nhằm truy dấu các cuộc tiếp xúc để có thể nới lỏng việc kiểm tra biên giới nội khối, cũng như dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại đang được thực thi vì đại dịch COVID-19.

Tuy nhiên, sự thiếu phối hợp giữa các quốc gia thành viên có thể khiến hiệu quả của nó trở nên hạn chế.

Croatia – nước đang là chủ tịch luân phiên của EU-cho biết trong cuộc họp trực tuyến ngày 28/4, các Bộ trưởng EU đã lưu ý tầm quan trọng của việc phối hợp trong công tác triển khai các ứng dụng vì vai trò quan trọng của chúng đối với quyết định nới lỏng hoặc bãi bỏ biện pháp kiểm tra biên giới giữa các nước thành viên hay việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế nhập cảnh ở biên giới ngoài EU.

Tuy nhiên, để điều này có thể thành hiện thực, các quốc gia thành viên có lẽ cần sử dụng cùng một ứng dụng hoặc ít nhất là các ứng dụng tương tự. Một nguồn tin EU cho biết các quốc gia khu vực Nam Âu và Địa Trung Hải đã và đang thúc đẩy ý tưởng về một ứng dụng chung duy nhất cho toàn bộ EU.

Một giao thức tập trung-theo đó dữ liệu được lấy từ quá trình theo dõi liên lạc được lưu trữ trên một máy chủ trung tâm-hiện được Pháp và Anh ủng hộ, trong khi các nước EU khác bao gồm Áo và đến nay là Đức đã chọn mô hình phi tập trung, với dữ liệu được xử lý trên thiết bị di động cầm tay của người dùng.

[Lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế tại các nước châu Âu]

Trước đây, Đức đã ủng hộ hoạt động của dự án Truy tìm khoảng cách gần đảm bảo quyền riêng tư tại châu Âu (PEPP-PT), theo đó phương pháp tập trung được áp dụng. Tuy nhiên, Berlin đã thay đổi quan điểm sau một loạt những chỉ trích về cách tiếp cận PEPP-PT, dẫn đến Bộ trưởng Phủ Thủ tướng Đức Helge Braun và Bộ trưởng Y tế Jens Spahn cho biết cuối tuần qua rằng nước này sẽ hỗ trợ cho một mô hình quản lý và khai thác dữ liệu phi tập trung để thay thế.

Chính phủ Pháp gần đây kêu gọi Tập đoàn Apple hạ cấp các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư của mình để cho phép dữ liệu được rút ra từ các thiết bị của người dùng. Vào cuối tuần qua, Pháp đã thúc ép Tập đoàn Apple nới lỏng các hạn chế về kỹ thuật trên thiết bị của họ, cho phép dữ liệu được chuyển từ một ứng dụng ngay cả khi không được sử dụng trực tiếp bởi người dùng. Apple và công ty mẹ của Google, Alphabet, hỗ trợ một giao thức phi tập trung trong các cấu trúc xử lý dữ liệu, điều mà họ cho là sẽ giúp đảm bảo an toàn thông tin mạng hơn.

Tại Anh, một dự án được NHSX-chi nhánh đổi mới kỹ thuật số của Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia-triển khai đang mâu thuẫn với Apple và Google, do họ muốn đi theo cách tiếp cận tập trung.

Người đứng đầu NHSX, Matthew Gould, đã thông báo cho các nghị sĩ trong Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Hạ viện Anh ngày 28/4 rằng ứng dụng này sẽ có thể được sử dụng trong vài tuần tới, trong một môi trường được kiểm soát tập trung.

Người phát ngôn của NHSX cho biết ứng dụng của họ tuân theo mô hình tập trung và sẽ hoạt động hiệu quả dưới nền ngay cả khi người dùng không trực tiếp vận hành ứng dụng.

Thông tin này được đưa ra trong khi Hội đồng châu Âu ngày 28/4 đã cảnh báo về tác dụng phụ tiêu cực của việc sử dụng một số ứng dụng di động, theo đó việc đánh giá tác động về hiệu quả của các công nghệ này cần được thực hiện trước khi chúng được đưa vào áp dụng. Tổ chức bảo vệ quyền công dân cũng tham gia kêu gọi ủng hộ cho phương pháp tiếp cận phi tập trung.

Hội đồng châu Âu nhấn mạnh rằng hệ thống truy vết liên lạc kỹ thuật số phải dựa trên một cấu trúc được áp dụng nhiều nhất có thể việc xử lý và lưu trữ dữ liệu trên thiết bị của từng người dùng, nhưng cũng cảnh báo rằng các lỗ hổng vẫn tồn tại trong cả hai giao thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục