Theo bài phân tích được đăng trên trang mạng châu Âu Borderlex, thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) - Vương quốc Anh là tấm gương phản chiếu chính sách thương mại của EU trong một thế giới mà những chắc chắn về địa chiến lược - đặc biệt thuận lợi dưới chiếc ô an ninh của Mỹ - đã bị lung lay và đại dịch toàn cầu khiến nó bộc lộ những lỗ hổng.
Nhưng chuyển sang phòng thủ là không đủ, EU cần đưa ra một chiến lược tích cực và đáng tin cậy để "thu phục" các đối tác.
Bối cảnh địa chính trị-kinh tế phức tạp
Chính sách thương mại của EU đã bắt đầu với một năm 2021 đầy biến động. Một cuộc đàm phán đầu tư song phương kéo dài nhiều năm với Trung Quốc đã được kết thúc vào ngày áp chót của năm 2020.
Thỏa thuận bất ngờ được đưa lên ánh đèn sân khấu toàn cầu chỉ để bị các nhà phê bình Trung Quốc và nhiều chuyên gia về chính sách đối ngoại chỉ trích với lý do EU đã chịu khuất phục trước Bắc Kinh, trong khi nhiều vấn đề bất đồng lớn vẫn đang diễn ra.
Kể từ ngày 1/1, EU và Vương quốc Anh cũng đang trải nghiệm việc Anh rời khỏi thị trường đơn nhất và liên minh thuế quan có ý nghĩa như thế nào đối với các mối quan hệ cả về thương mại cũng như con người trong tương lai.
Châu Âu sẽ mãi mãi ghi nhớ sự phẫn nộ về vụ tịch thu bánh kẹp thịt của du khách tại cơ quan kiểm soát biên giới Pháp hay những hộp cá tươi từ nước Anh không được vào thị trường EU vì không tuân thủ các yêu cầu y tế mới của EU vào những ngày đầu tiên của tháng 1/2021.
Tại thời điểm này, một số ngư dân châu Âu vẫn đang chờ cơ hội thực sự được phép vào lãnh hải của Anh như đã xác định trong Thỏa thuận hợp tác và thương mại ký tối 24/12 với London.
Ngoài ra, Mỹ đã áp những mức thuế mới đối với hàng xuất khẩu của EU, đánh vào rượu vang và rượu mạnh của Pháp, trong câu chuyện dài kỳ về vấn đề trợ cấp cho ngành chế tạo máy bay. Đây được coi là một món quà tạm biệt của Chính quyền Tổng thống Donald Trump sắp mãn nhiệm.
Trong khi đó, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đang chìm trong giấc ngủ dài. Không có lời chúc mừng năm mới nào của Tổng Giám đốc WTO vì vị trí này vẫn đang bị bỏ trống.
Tổ chức này đang trong một kỳ nghỉ kéo dài, có lẽ là cho đến ngày 20/1/2021, khi Chính quyền của ông Joe Biden nhậm chức. Nhưng giấc ngủ thậm chí có thể còn kéo dài hơn.
Rõ ràng, mọi sự chú ý đang đổ dồn về phía chính quyền sắp tới của ông Joe Biden, người sẽ chèo lái một nước Mỹ đang bị suy yếu. Với chính quyền mới, nhiều người hy vọng sự hợp tác trong quan hệ quốc tế sẽ được đẩy mạnh trong nhiều vấn đề.
[Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Kẻ thức thời mới là anh hùng?]
Về phần mình, EU trông đợi sẽ giải quyết được tranh chấp liên quan tới Airbus và tiếp tục cố gắng trao đổi và xử lý một loạt vấn đề từ công nghệ đến Trung Quốc, khí hậu, cải cách WTO - và hơn thế nữa.
Nhưng sẽ không có phép màu. Chương trình thương mại của Chính quyền Tổng thống Biden chủ yếu mang tính chất phòng thủ và bảo hộ.
Sự lộn xộn chính trị tại Mỹ sau vụ tấn công Điện Capitol sẽ là một quá trình hàn gắn lâu dài và gian khổ. Mỹ sẽ ưu tiên tìm cách chữa lành vết thương kinh tế của mình và thúc đẩy triển vọng y tế mới cho cộng đồng người dân bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19.
Việt đánh đồng hợp tác với việc "nói với châu Âu phải làm gì" về kỹ thuật số, về Trung Quốc - sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ vào thời điểm mà các chiến thuật như vậy không còn hiệu quả.
Việc các bộ phận của đảng Dân chủ chỉ trích thỏa thuận đầu tư Trung Quốc-EU là một "điềm xấu."
EU thể hiện sẵn sàng hợp tác - miễn là các nước khác đi theo quỹ đạo các chương trình và tiến trình của EU. Chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới của EU thể hiện thái độ như vậy.
Nhưng ít nhất cũng đang có những hy vọng rằng sẽ có nhiều cuộc đối thoại xuyên Đại Tây Dương với mục tiêu tránh những thiệt hại không đáng có. Có lẽ mọi người có thể thấy đó đây một số kết quả, chẳng hạn như các sáng kiến chung tại WTO.
Có thể sẽ không có thuế quan trả đũa thuế kỹ thuật số của EU, song những dòng thuế xuyên Đại Tây Dương khác hiện có đối với thép hoặc liên quan đến Airbus cũng sẽ không thể được gỡ bỏ một cách nhanh chóng.
Bộ công cụ mới của EU
Chính sách thương mại chung của EU có thể được mô tả là mang tính phòng thủ. Phòng thủ trước sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc, chống lại hậu quả của sự suy giảm của Mỹ và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, chống lại mối đe dọa mà Brexit đặt ra đối với mô hình EU, chống lại tất cả những người muốn một mức giá rẻ về môi trường và lao động khi tại EU chúng ngày càng trở nên đắt đỏ và họ đang hướng tới trung lập carbon trong 30 năm tới.
Chính sách thương mại của EU đang trải qua những thay đổi căn bản. Đây là một tiến trình đã được đẩy nhanh kể từ khi bà Ursula von der Leyen nắm quyền lãnh đạo Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối năm 2019.
Về cơ bản, EC đang thực hiện đấu thầu theo các lợi ích chủ yếu của Đức và Pháp, trong đó một số mục được các nước thành viên ủng hộ, một số khác thì không. Mối quan hệ độc quyền lâu đời giữa Pháp và Đức giờ đây không còn bị kìm hãm bởi sự tham gia của nước Anh và các quốc gia thân cận khi quyết định các chính sách.
Nằm trong danh sách việc cần làm và công việc đang tiến hành của EU về chính sách thương mại bao gồm quy định mới về dịch vụ kỹ thuật số với các kết quả tiềm năng hấp dẫn đối với các luồng dữ liệu toàn cầu và điều kiện cạnh tranh trong lĩnh vực Internet; triển khai một cơ chế sàng lọc đầu tư trên toàn EU; kế hoạch điều chỉnh chuỗi cung ứng để giảm các lỗ hổng nhập khẩu chiến lược và vi phạm nhân quyền, mà các Nghị sĩ châu Âu sẽ muốn sử dụng để giải quyết tình trạng lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.
Bên cạnh đó, mọi người cũng sẽ thấy sự xuất hiện của một "quy định thực thi" mới sẽ cho phép EU trả đũa các đối tác ngăn cản quy trình giải quyết tranh chấp của WTO, một cơ chế trao quyền điều chỉnh biên giới về carbon, một quy định mới để kiểm soát các khoản trợ cấp nhận được trong nước của các công ty đầu tư vào thị trường đơn nhất, và một công cụ "chống cưỡng chế" cho phép các quốc gia thành viên EU chống lại áp lực chính trị của các cường quốc bên ngoài như các cuộc điều tra theo Mục 301 của Đạo luật thương mại Mỹ.
EU hiện tận dụng các hiệp định thương mại song phương để giải quyết tranh chấp thương mại như một chính sách bảo hiểm chống lại sự suy yếu của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO.
Trong khi EU đã để thua một phần nào đó trong một vụ kiện chống lại Hàn Quốc trong khuôn khổ tranh chấp với Seoul về những nỗ lực của nước này nhằm xóa bỏ các cam kết phê chuẩn các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), EU đã tuyên bố sẽ không để bị vướng lại vào một thế yếu như vậy lần nữa.
Việc làm và môi trường - mục tiêu hàng đầu
Với Hiệp định Thương mại và Hợp tác EU-Anh, việc vi phạm các cam kết về "sân chơi bình đẳng" có thể dẫn đến các biện pháp trừng phạt. Đây là một thực tế mới, một bước tiến lớn. Nghị viện châu Âu đang vui mừng. Và tất cả các quốc gia đang đàm phán hoặc thương lượng lại một hiệp định thương mại với EU-Australia, New Zealand, có lẽ là Chile và những nước khác - sẽ phải tính đến thực tế mới này.
Qua thỏa thuận với Vương quốc Anh, EU lần đầu tiên cũng đảm bảo rằng bất kỳ quốc gia nào không tuân thủ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu có thể bị chấm dứt thỏa thuận.
Hiệp định Paris hiện là một "yếu tố thiết yếu" của tất cả các thỏa thuận quốc tế mà EU ký kết. Điều này đặt việc chống lại biến đổi khí hậu ngang hàng với các quyền cơ bản của con người như một mục tiêu chiến lược trong "hành động đối ngoại" của EU.
Chính sự kết hợp giữa việc Mỹ rút lui khỏi thế giới và khỏi châu Âu, cùng với sự hoài nghi Trung Quốc gần đây của Đức đã khởi đầu cho việc định hướng lại chính sách thương mại của EU. Nhưng trước hết đó là một chương trình nghị sự tiêu cực. Điều đó có thể là cần thiết. Thông điệp là hãy tốt theo cách EU định nghĩa nếu không bạn sẽ bị trừng phạt.
Mặt khác, EU bị coi là thiếu uy tín vào thời điểm mà các tiêu chuẩn dân chủ đang bị xói mòn và Hungary hay Ba Lan ngày càng độc tài có thể luôn từ chối những người chỉ trích và qua mặt hệ thống thực thi pháp quyền của khối.
Trong mục đích tìm cách trở nên linh hoạt hơn bằng cách tập trung các quyền lực mới vào khu vực giao nhau giữa vấn đề an ninh và thương mại, EU sẽ cần phải làm cho mình trở nên hấp dẫn trở lại như một nơi để trao đổi, để kinh doanh, tham gia vào chính sách đối ngoại.
Nhiều hy vọng về dư địa mà Chính quyền của ông Biden có thể cung cấp sẽ là cơ hội để xúc tiến điều đó. Bên cạnh đó, EU rất cần một chương trình nghị sự tích cực với Vương quốc Anh trong tương lai. Thật vô nghĩa khi coi Anh trên hết là một mối đe dọa cạnh tranh. Ngay cả khi không có các điều khoản về sân chơi bình đẳng, Vương quốc Anh đã đánh mất khả năng cạnh tranh trên thị trường EU bởi thủ tục giấy tờ về các biện pháp vệ sinh và kiểm dịch (TBT), về kiểm dịch động thực vật (SPS) và thỏa thuận dịch vụ phiến diện là bức tường thương mại gây tổn hại mà Anh sẽ phải trả giá đắt. Cần lưu ý, một Vương quốc Anh giận dữ, bất bình với tư cách là nước láng giềng sẽ là một vấn đề địa chính trị quan trọng.
Trong khi đó, EU sẽ cần đạt được thỏa thuận với khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur), vượt qua ranh giới giữa việc đảm bảo rằng các cam kết về môi trường được thực hiện nghiêm túc ở Brazil nhưng cũng đưa ra một viễn cảnh hữu nghị thực sự và chào đón một nhóm các quốc gia dân chủ cho mục tiêu đa dạng mối quan hệ mới bên ngoài Mỹ và Trung Quốc.
Ở Đông Nam Á, EU sẽ cần tham gia nhiều hơn với các đối tác sẵn sàng chia sẻ một số mục tiêu chiến lược của mình, đặc biệt là về thương mại đa phương và môi trường.
Vào thời điểm khi các vắcxin mới đưa ra một chút ánh sáng cuối đường hầm đại dịch, chuẩn bị cho thế giới tương lai và góp phần làm cho thế giới này trở thành một nơi hợp tác, cởi mở hơn là một điều rất cần thiết./.